Tại sao startup cần huấn luyện viên?

Ở Việt Nam, “huấn luyện viên khởi nghiệp” – startup coach vẫn còn là một khái niệm mới với khá nhiều startup. Để có một cái nhìn toàn diện về tại sao cần huấn luyện viên (HLV) khởi nghiệp, như thế nào là một người HLV tốt và làm thế nào để hưởng lợi nhiều nhất từ một chương trình huấn luyện, tôi muốn chia sẻ với các bạn góc nhìn của một người đã tham gia hoạt động này trong 4 năm qua.


Dave Bailey, người sáng lập công ty chuyên huấn luyện các CEO của các công ty gọi được vốn từ vòng series A trở lên. Nguồn: Dave Bailey.

Trước hết, huấn luyện khởi nghiệp là một công việc thuộc nhóm huấn luyện kinh doanh trong đó người HLV “cầm tay chỉ việc” rèn luyện thành công kỹ năng sử dụng công cụ cho doanh nghiệp/đội nhóm của doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng cho đôi nhóm của doanh nghiệp và đặt câu hỏi giúp doanh nghiệp tự giải quyết vấn đề. Mối quan hệ giữa HLV và doanh nghiệp khởi nghiệp là mối quan hệ ngắn hạn, thông thường từ 3-6 tháng. 
Ở Việt Nam, có những tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện cho doanh nghiệp, nhưng đội ngũ huấn luyện khởi nghiệp chuyên nghiệp thì còn rất ít. Từ những thành công và thất bại của cả người làm HLV và startup, và các dự án đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng có 3 lý do chính khởi nghiệp cần HLV.
1. Startup thường có quá nhiều vấn đề để giải quyết và quá nhiều việc phải làm cùng một lúc.
Việc là khởi nghiệp sáng tạo không bao giờ dễ dàng. Những ngợi ca trên báo chí, sự xuất hiện dày đặc trên truyền thông không giúp bạn giảm bớt áp lực khi phải đối diện với những vấn đề cụ thể trực tiếp của doanh nghiệp. Nếu dành thời gian để giải quyết những việc gấp gáp nhưng không quan trọng lắm thì sáng lập viên sẽ không còn thời gian cho những việc quan trọng dài hơi. Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) cũng thường gặp phải những giới hạn về nguồn lực và có xu hướng cần tiền mới giải quyết được. Việc xuất hiện HLV sẽ giúp KNST sắp xếp lại những vấn đề mang tính thứ tự ưu tiên để giải quyết với nguồn lực hạn chế một cách tối ưu.

Theo Dave Bailey, tại sao các nhà sáng lập cần Huấn luyện viên (Coach), không phải Tư vấn (Consultants), theo đó tóm lại gồm 10 điểm:
1. Hãy để các nhà sáng lập tự đưa ra chương trình làm việc của mình (nhấn mạnh sự chủ động)
2. Không ai có thể nhận được lời khuyên trước khi họ hiểu vấn đề (khác biệt giữa HLV và tư vấn)
3. Câu hỏi luôn có giá trị lớn hơn câu trả lời (thậm chí lời khuyên)
4. Bám sát các mục tiêu cụ thể 
5. Sự tò mò trái ngược với sự phán xét
6. Nghe lời nói của mình từ người khác
7. Chia sẻ kinh nghiệm, không hướng dẫn
8. Kiên nhẫn là điều cần thiết để huấn luyện hiệu quả
9. Cho bạn niềm tin khi cần 
10. Theo dõi là 90% giá trị

2. Vấn đề mà người sáng lập nghĩ là vấn đề bức xúc, khó khăn nhất chưa chắc đã phải là vấn đề quan trọng nhất.
HLV không biết câu trả lời cho các vấn đề nhưng họ biết hỏi những câu hỏi mang tính kỹ thuật cần thiết để tìm ra vấn đề mang tính cốt tử của doanh nghiệp đó, có ảnh hưởng đến sự sống còn và những rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn đầu trứng nước của doanh nghiệp. Ví dụ, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng vốn là vấn đề lớn nhất, nhưng nhờ những câu hỏi của HLV, đôi khi tự doanh nghiệp nhận ra rằng đó có thể là vấn đề thứ 2,3 trong thứ tự ưu tiên. 
3. Sự cô đơn và những thành quả được ghi nhận.
Khởi sự kinh doanh là chấp nhận sự cô đơn khi phải đối diện với các quyết định, với những tính toán ngắn hạn và dài hạn, ngay cả khi bạn có một đội nhóm tốt thì người lãnh đạo vẫn là người phải chấp nhận sự cô đơn ấy. Việc có một HLV đi cùng và người chủ dự án phải tham gia quá trình huấn luyện là đặc biệt quan trọng. Ngoài giá trị cùng nhau phân tích khó khăn thất bại, thì việc có một sự ghi nhận từ bên ngoài là nguồn động viên quan trọng, một sự ghi nhận có giá trị để chủ doanh nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ hơn sau đó. 

Câu chuyện của người HLV và người được huấn luyện

Năm 2015, tôi cùng 11 anh chị em khác bước ra từ chương trình đào tạo tăng cường HLV đổi mới sáng tạo của dự án Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) với một loạt công cụ và kiến thức mới mẻ trong tay. Chúng tôi được đưa thẳng vào một doanh nghiệp khởi nghiệp để…huấn luyện. Doanh nghiệp vừa nhận được một khoản vốn mồi với tham vọng trong 6 tháng đạt mục tiêu chứng minh tiềm năng xuất khẩu và kiểm chứng được mô hình kinh doanh bền vững. 6 tháng trải nghiệm với EZCloud với tôi thực sự quý giá để nhận ra rằng tại sao một doanh nghiệp khởi nghiệp mặc dù rất tiềm năng đội ngũ rất tốt lại rất cần huấn luyện viên – một sự trợ giúp kỹ thuật quan trọng cho kiểm chứng mô hình kinh doanh và sự phát triển của dự án. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện không hề diễn ra suôn sẻ mà luôn có những thách thức với cả hai phía nếu muốn hoàn thành tốt công việc của mình. Như anh Đặng Thành Trung, giám đốc sáng tạo của EZCloud chia sẻ, có rất nhiều khó khăn phải trải qua trong suốt quá trình huấn luyện để nhận ra rằng, rất may mắn đã kiên nhẫn đi theo suốt thời gian đó. Những khó khăn mà anh Trung đề cập ở đây không nằm ngoài những khó khăn mà chính cá nhân chúng tôi đã trải qua trong vai trò HLV cho những doanh nghiệp sau này: 
1. Vượt qua khỏi sự khó chịu khi có một người ngoài bước vào doanh nghiệp:
Vốn không phải là người đóng góp tiền cho doanh nghiệp, thậm chí dịch vụ huấn luyện là dịch vụ trả phí, rất dễ hiểu khi EZCloud (vốn được dự án IPP2 tài trợ để sử dụng HLV) hay một doanh nghiệp bất kỳ nào phải trả phí để sử dụng dịch vụ này là sự chống đối lại vai trò của người HLV. Thực tế, không ít doanh nghiệp đặt ra câu hỏi tại sao lại phải đưa một người HLV vào chỉ để hỏi và giám sát doanh nghiệp? Hơn thế nữa, một doanh nghiệp khởi nghiệp, thời gian là vô cùng quý giá, vậy mà luôn phải dành một khoảng thời gian chỉ để trả lời câu hỏi của một người không liên quan gì. Sự khó chịu này sẽ không biến mất sau tối thiểu 3 buổi đầu tiên vì những câu hỏi của HLV luôn mang tính căn bản, bắt chủ doanh nghiệp phải lật lại rất nhiều vấn đề mà thường ngày họ chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Việc phải lật lại và nghi ngờ cả những gì mình đang làm là một cảm giác rất khó chịu. Tuy nhiên, thông thường, sau buổi thứ 3, sẽ có những thay đổi và chuyển biến, hiệu ứng từ những câu hỏi 


EZ Cloud (bên trái) đang trao đổi với một huấn luyện viên của chương trình IPP. 

2. Vượt qua nỗi sợ bị giám sát.
Cảm giác bị ai đó giám sát những mục tiêu đề ra không phải dễ dàng. Khi đối diện với chính mình cho những việc mình không thực hiện được và trả lời HLV của mình vào buổi gặp tiếp theo, đó là một công việc khó khăn. Bạn làm chủ của doanh nghiệp bạn, tại sao bạn cần ai đó giám sát? Câu hỏi đó rất thường gặp, nhưng hãy tin tôi, ở giai đoạn đầu, sự tự do của người làm chủ doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khiến bạn làm việc 20 tiếng mỗi ngày, nhưng cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ đạt mục tiêu đề ra bởi lẽ không ai tạo ra áp lực cho bạn. Sự giám sát chính là giá trị quan trọng mà huấn luyện mang lại. 
3. Vượt qua cảm giác ngại phải cam kết.
Hằng tuần, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện những gì mình đề ra. Mặc dù không có hình phạt nào cho việc không thực hiện được, nhưng rõ ràng, việc phải lý giải những nguyên nhân mình không thực hiện được sau một khoảng thời gian đủ dài (thông thường là 6 tháng) thực sự sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy về chấp nhận thất bại và học từ thất bại. Nếu thói quen thực hiện cam kết và tìm nguyên nhân cho thất bại và phòng ngừa rủi ro được thiết lập tại doanh nghiệp, đây sẽ là một thay đổi rất lớn cho bước chuyển từ văn hóa của một nhóm dự án khởi nghiệp thành một doanh nghiệp trưởng thành thực sự. 
Trên thực tế, ngay tại các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trên thế giới, huấn luyện là một hình thức phổ biến nhằm gia tăng hiệu suất công việc. Với khởi nghiệp, việc sử dụng huấn luyện viên mang tính đặc thù. Việc lựa chọn huấn luyện viên tốt cũng là một khó khăn không nhỏ. Nếu được phép cho vài lời khuyên với các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi xin phép đưa ra 3 lời khuyên sau đây:
1. Bên cạnh một cố vấn (mentor)- người sẽ thúc đẩy sự phát triển cá nhân của bạn, hãy tìm một HLV khởi nghiệp để có sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
2. Hãy đưa những người ra quyết định quan trọng trong doanh nghiệp vào quá trình huấn luyện, nó sẽ giúp tạo ra tiếng nói chung cho cả đội nhóm và kế hoạch hành động hiệu quả cả nhóm hướng đến.
3. Thời gian huấn luyện phải đủ dài (tối thiểu 3 tháng tăng cường, lý tưởng nhất là 6 tháng) để đảm bảo hiệu quả của huấn luyện. Mọi sự thay đổi không diễn ra qua một đêm, nó cần thời gian, đặc biệt là những thay đổi về tư duy.
Làm thế nào để tìm được HLV tốt, để thay cho lời kết, tôi xin mượn lời của Dave Bailey, 10 năm làm HLV cho các khởi nghiệp tại các môi trường khác nhau, người từng cho lời khuyên rằng, khởi nghiệp cần HLV hơn là người tư vấn. Đúc rút từ trải nghiệm của chính mình, Dave tổng kết: “Tìm một huấn luyện viên giỏi là rất khó khăn. Bạn muốn ai đó có mối liên hệ với bạn, người đã trải qua những gì bạn đang trải qua. Một người có thể đặt cái tôi của họ sang một bên và quan tâm đến bạn. Một người biết kết nối bạn với những người tài năng nhất. Bạn sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ huấn luyện viên của mình, cả về thời gian và năng lượng, cảm xúc, vì vậy, phải bù đắp cho họ một cách phù hợp. Hãy nhớ rằng có những người giỏi nhất xung quanh có ảnh hưởng lớn nhất đến thành công của bạn”. □

Tài liệu tham khảo: Why Founders Need Coaches, Not Consultants. Dave Bailey. Medium. 201

CÁC LOẠI HÌNH HUẤN LUYỆN
Performance coaching:
Huấn luyện hiệu suất công việc Skills coaching
Huấn luyện kỹ năng Career Coaching
Huấn luyện sự nghiệp Personal or life coaching
Huấn luyện cá nhân Business coaching
Huấn luyện kinh doanh Executive coaching
Huấn luyện quản lý Team facilitation
Điều phối nhóm Work shadowing
Giám sát công việcTác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Sáng lập & CEO KisStartup

Khởi nghiệp sáng tạo xã hội: Khi cơ hội nằm trong thách thức

Khởi nghiệp sáng tạo xã hội – Tại sao?

Trước hết, để hiểu hết ý nghĩa của khái niệm này, hãy cùng nhìn vào xu hướng để hiểu xem tại sao đây không chỉ là một khái niệm mới mà trở thành một xu hướng được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm. Không phải ngẫu nhiên, mặc dù vẫn là khái niệm mới mẻ, xu hướng này đang lan rộng. Không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới hình thành, xu hướng này còn len lỏi vào các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Báo cáo gần đây nhất tháng 5.2018 của Deloitte về Xu hướng nguồn nhân lực toàn cầu được thực hiện qua 11.000 doanh nghiệp và các lãnh đạo về nguồn nhân lực kết hợp với phỏng vấn sâu với các lãnh đạo của các tổ chức hàng đầu đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp xã hội đang là xu hướng mà các doanh nghiệp/tổ chức hướng tới- chuyển đổi từ doanh nghiệp kinh doanh sang doanh nghiệp xã hội. Không phải ngẫu nhiên điều này trở thành một xu hướng bởi lẽ, các doanh nghiệp nhận ra rằng xây dựng doanh nghiệp dựa trên nguồn lực xã hội sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. 65% CEO tham gia khảo sát cho rằng tăng trưởng mang lại lợi ích cho các bên liên quan mới là xu hướng chiến lược của các doanh nghiệp thay vì tập trung vào gia tăng giá trị cho cổ đông. Theo họ đây là cách vô cùng quan trọng để duy trì uy tín của tổ chức, thu hút và giữ chân nhân tài và nuôi dưỡng sự trung thành của khách hàng. 77% số người tham gia trả lời cho khảo sát trên cho rằng tinh thần công dân và tác động xã hội là những nhân tố tối quan trọng. Kinh doanh không chỉ còn đơn thuần là kiếm tiền, 86% số người trẻ thuộc thế hệ millennials cho rằng, thành công trong kinh doanh cần phải được đo lường bằng nhiều nhân tố hơn ngoài các chỉ số về tài chính.

Xu hướng dịch chuyển của các tổ chức truyền thống sang doanh nghiệp xã hội.Lược từ nguồn: Deloitte Global Human Capital Trends Survey, 2018.

Một thống kê khác của Red Bull đang thực sự chỉ ra, không còn là xu hướng, doanh nghiệp xã hội đang thuyết phục được các nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh song song với tác động xã hội không nhỏ của mình. Tính riêng Vương quốc Anh, hiện có hơn 470.000 doanh nghiệp xã hội và đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.44 triệu người. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này là giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã và những vấn đề quan trọng của đời sống xã hội. Hay ở Australia, hiện đang có khoảng hơn 20.000 doanh nghiệp xã hội (thống kê đến năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 300.000 người và tạo ra 2-3% GDP. Trong vòng 10 năm tới, con số này dự kiến tăng lên khoảng 4% GDP và giải quyết việc làm cho khoảng 500.000 người Australia. Thống kê của Hội đồng Anh cũng cho thấy, doanh nghiệp xã hội đang đóng góp khoảng 10% GDP của Pháp, 15% GDP của Italia và 15.9% GDP ở Hà Lan và Bỉ. Theo báo cáo của Hội đồng Anh, mô hình hợp tác xã đóng góp vào GDP của Kenya 45%, cao hơn rất nhiều so với mức đóng góp của cả khu vực công và tư. Không những thế, doanh nghiệp xã hội đang giải quyết rất nhiều trong số những mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc như cân bằng giới, không phân biệt chủng tộc. Theo một báo cáo của Santander năm 2015, 40% doanh nghiệp xã hội của Anh do phụ nữ làm chủ, 31% số doanh nghiệp này có sự đa dạng về chủng tộc (có người da màu và châu Á tham gia làm việc) và 40% do người khuyết tật làm chủ.

Những thông tin trên đó phần nào phản ánh xu hướng trở thành doanh nghiệp xã hội và đi cùng nó là khởi nghiệp sáng tạo xã hội sẽ trở thành một xu hướng không thể bỏ qua trong những năm tới cho cả doanh nghiệp đã vận hành và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Vậy khởi nghiệp sáng tạo xã hội là gì? 

Theo Social TrendSpotter, Đổi mới sáng tạo xã hội (Social Innovation) bắt nguồn từ ý tưởng: những ý tưởng có thể là sản phẩm, dịch vụ hoặc phương pháp làm mới để tạo ra những thay đổi, thay thế cho những giải pháp đã có với những giá trị cho xã hội. Để chứng minh cho chuẩn mực cao nhất của tác động xã hội mà một ý tưởng đổi mới sáng tạo tạo ra, cần phải có kiểm chứng thực tế. 

Doanh nghiệp xã hội (Social Enterprise) là câu chuyện về mô hình kinh doanh. Đã là kinh doanh tức là phải chứng minh được khả năng tối ưu hóa về tài chính và gia tăng giá trị cho xã hội cho dù doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Một vài doanh nghiệp xã hội có thể sử dụng các nguồn tiền vì mục đích thiện nguyện hoặc vốn hỗ trợ ban đầu trong giai đoạn khởi sự kinh doanh, các doanh nghiệp đều hướng đến mô hình kinh doanh tự sống được dựa trên khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tinh thần doanh nhân xã hội (Social Entrepreneurship) có thể coi là câu chuyện về tư duy. Những doanh nhân xã hội là những người hoạt động không ngừng nghỉ tìm ra những giải pháp sáng tạo để thay đổi. Có một vài đặc điểm để nhìn ra họ 1) Họ yêu vấn đề hơn là giải pháp 2) Họ tin rằng không một ai có thể sở hữu một giải pháp nào đó cho vấn đề xã hội, mà thay vào đó, các giải pháp phải theo hướng đồng sáng tạo với cộng đồng để đảm bảo tính bền vững và tác động 3) Họ biết, tác động là thước đo cuối cùng và không chỉ phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo và phát minh; họ chứng minh tác động và theo đuổi những thang đo về tác động giúp họ trở thành những con người vừa có tầm nhìn vừa rất kỷ luật trong cách tiếp cận.


Doanh nhân xã hội “yêu vấn đề hơn là giải pháp”, họ tin rằng các giải pháp phải theo hướng đồng sáng tạo với cộng đồng để đảm bảo tính bền vững và tác động. Ảnh: Social Change Central

Nếu kết hợp những yếu tố sáng tạo xã hội với định nghĩa về startup của Steve Blank: “là một tổ chức mang tính tạm thời được thành lập để đi tìm kiếm mô hình kinh doanh có thể nhân rộng ra được và lặp lại được” với những hiểu biết trên về doanh nghiệp xã hội thì có thể hiểu khởi nghiệp sáng tạo xã hội chính là: “một tổ chức mang tính tạm thời được thành lập để tìm kiếm mô hình kinh doanh giải quyết vấn đề xã hội có thể nhân rộng ra được và lặp lại được”.

Nói một cách khác, khởi nghiệp sáng tạo xã hội là phát triển mô hình nhằm hướng tới nhiều mục đích, gồm cả lợi nhuận và tiến bộ cho tất cả những người tham gia vào quá trình này, mô hình này mở rộng ra được và nhân rộng ra được ở những nơi có vấn đề. Ở đâu có vấn đề, ở đó có giải pháp. Trong khi 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia đang phát triển với quá nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, giáo dục, y tế v…v còn đang trong tình trạng thiếu thốn và nhiều bất cập, thì cơ hội cho những cá nhân, tổ chức đi tìm kiếm những mô hình mới giải quyết được cả vấn đề xã hội, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh và nhân rộng ra được, lặp lại được ở nhiều vùng, nhiều quốc gia là rất lớn. 



Trên thực tế, cần phải nhấn mạnh rằng, so với mô hình cũ của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, khi không có động cơ lợi nhuận trong quá trình kinh doanh, các khoản tài trợ, hỗ trợ không thể mang lại cơ hội cho cả một cộng đồng tạo ra thu nhập thì vòng đói nghèo khó có thể vượt qua được. Trên tinh thần của doanh nhân xã hội, với những chủ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xã hội, công nghệ không phải là lợi thế cạnh tranh duy nhất mà những doanh nghiệp này dựa vào. Họ luôn tìm hướng cân bằng giữa yếu tố công nghệ, phát triển bền vững.

Cơ hội ở Việt Nam và các nước đang phát triển

Khi doanh nghiệp xã hội trở thành một lực hấp dẫn thì khởi nghiệp sáng tạo xã hội càng trở nên hấp dẫn với các thị trường phát triển và cả đang phát triển hơn trong một thập kỷ trở lại đây. Theo thống kê, 89% số doanh nghiệp xã hội ở Ấn Độ là dưới 10 năm tuổi hay hơn 50% số doanh nghiệp xã hội được thành lập ở ada là dưới. Ở Việt Nam theo thống kê nêu ra trong báo cáo Thúc đẩy Khu vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội  Phát triển tại Việt Nam (2018) của nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế Quốc dân dưới sự hỗ trợ của UNDP: 50% các doanh nghiệp có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tiếp đó là tạo cơ hội việc làm cho nhóm ngoài lề (46.7%); bảo vệ môi trường (32%); thúc đẩy giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ người học (30%) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp (24%). Đây là 5 ưu tiên hàng đầu của các SIB Việt Nam. Con số thống kê bảng dưới đây cho thấy số lượng những doanh nghiệp xã hội hoặc có liên quan đến yếu tố xã hội hiện ở Việt Nam vào khoảng gần 50.000. Tuy nhiên, hiện chưa có con số thống kê cụ thể về đóng góp của những doanh nghiệp xã hội nói chung và doanh nghiệp sáng tạo xã hội nói riêng vào GDP. Nếu nhìn vào quy mô có thể thấy các con số phản ánh một thực tế, các doanh nghiệp xã hội hiện tại vẫn đang dừng lại ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ; yếu tố xã hội và phát triển bền vững được lồng ghép vào công việc kinh doanh nhiều hơn là thực sự có những mô hình khởi nghiệp sáng tạo xã hội nổi bật. Việc tìm kiếm những mô hình mới sáng tạo giá trị gia tăng cao và tác động lớn hơn vẫn đang ở mức khiêm tốn. Để kích thích những sáng tạo xã hội phát triển, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo xã hội phát triển mạnh mẽ đương nhiên đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ nhận diện tầm quan trọng của nó cho đến phát hiện những cơ hội từ nguồn tài nguyên chúng ta đang có kết hợp với những vấn đề ta đang gặp phải và xu hướng trên thế giới.

“Ngàn dặm cũng bắt đầu từ những bước đi đầu tiên”, sáng tạo xã hội nói chung và khởi nghiệp sáng tạo xã hội nói riêng chính là hướng đi quan trọng trong những năm tới nhằm giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải ở tầm quốc gia và đã tồn tại rất lâu, cần có sự đột phá để giải quyết. Những câu chuyện về khởi nghiệp sáng tạo xã hội đi kèm bài viết như một gợi ý để những khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiềm năng có thể thấy được cơ hội của chính mình qua câu chuyện của những chủ doanh nghiệp giống mình, hay rộng hơn là những quốc gia có những vấn đề tương đồng.

Tài liệu tham khảo
Social TrendSpotter. What is the Difference between Social Innovation, Social Enterprise & Social Entrepreneurship? Nguồn: https://medium.com/@socialtrendspot/what-is-the-difference-between-socia… (truy cập ngày 27.12.2018)
3 Social Enterprise Startup Examples to Get You Inspired for Change
https://changecreator.com/3-social-enterprise-startups-examples-to-get-y…
The Rise Of The Social Enterprise: A New Paradigm For Business
https://www.forbes.com/sites/joshbersin/2018/04/03/the-rise-of-the-socia…
The 6 mindblowing social enterprise stats you need to know
https://www.redbull.com/int-en/social-enterprise-stats
http://www.vn.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Foster%20SI…
https://ethnotek.com/collections/vietnam-hmong
http://vov2.vov.vn/con-duong-tri-thuc/nang-luong-dien-gio-ho-tro-cac-gia…
http://1516energy.com/

Ethnotek – hoa văn nhắc nhở về du lịch có trách nhiệm
Nhìn chiếc balo dưới đây, sẽ không khó để nhận ra hoa văn là thổ cẩm của người H’mông ở Việt Nam. Ethnotek trở thành một khởi nghiệp sáng tạo xã hội truyền cảm hứng trên toàn thế giới khi kết hợp được cả yếu tố dân tộc và công nghệ. Sau một chuyến đi du lịch tới Việt Nam, Jake Orak đã thực sự xúc động bởi hoa văn của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Orak kết hợp mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa này với nhu cầu du lịch trong thời đại công nghệ cao và Ethnotek ra đời với những sản phẩm đảm bảo 6 tiêu chí: có trách nhiệm với xã hội, chống nước, làm bằng tay, có nguồn gốc từ thực vật, sản xuất chậm, không hóa chất độc hại. Các sản phẩm hài hòa giữa sản phẩm thủ công mang đậm giá trị văn hóa dân tộc được làm từ in tay, thêu, tôn vinh giá trị văn hóa bản địa và yếu tố công nghệ thực sự thuyết phục người tiêu dùng về một lối sống có trách nhiệm và bền vững. Ở mỗi sản phẩm trên website của mình, Ethnotek giới thiệu về các sản phẩm, xây dựng cầu nối văn hóa giữa người mua hàng với câu chuyện của những vùng đất mà các chất liệu này được tạo ra để nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa. Sản phẩm được định giá thuộc dòng cao cấp này kết hợp giữa công nghệ và yếu tố dân tộc, đã mang lại giá trị cho cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà đang thay đổi cuộc đời của cả những nghệ nhân ở Ghana, Guatemala, Ấn Độ, Indonesia. Bản thân sản phẩm của Ethnotek ngoài những giá trị bảo tồn văn hóa, còn có những giá trị về phát triển thời trang bền vững. Trong khi, các sản phẩm để sản xuất balo cặp túi hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật, sợi tổng hợp như nilon, polyester gây ô nhiễm cho môi trường từ quá trình sản xuất cho tới khi chúng bị vất bỏ, các chất liệu này trở thành rác thải khủng khiếp cho môi trường, thì những sản phẩm như của Ethnotek thực sự đưa ra thông điệp góp phần cổ vũ cho tiêu dùng sinh thái, tiêu dùng xanh và bền vững.

Họa tiết của balo Ethnotek có thể thấy trên váy của người H’mông, Việt Nam. Ảnh: Ethnotek

1516-Green Design- Một khởi nghiệp sáng tạo xã hội của Việt Nam thiết kế, lắp đặt turbine gió mini cho các hộ gia đình nghèo 
Sản xuất máy phát điện từ sức gió vốn không phải mới trên thế giới, các nhà máy điện tận dụng cơ năng từ gió chuyển thành điện năng thường được triển khai ở quy mô lớn và tốn kém rất nhiều chi phí đầu tư. Việc tìm kiếm một mô hình thiết kế nhỏ gọn cho những vùng lưới điện chưa phủ tới hoặc không ổn, định phục vụ những hộ gia đình nghèo vùng sâu vùng xa, những hộ gia đình lênh đênh trên sông nước ở Việt Nam vẫn còn là một bài toán khó. Thêm vào đó, nhu cầu sự phù hợp về chi phí, phục vụ những nhu cầu tối thiểu như thắp sáng, đun nấu, quạt mát đòi hỏi những đổi mới. Giải pháp mới của 1516-Green Design- Turbine điện gió mini – một khởi nghiệp sáng tạo xã hội của Việt Nam đã giải quyết được bài toán này. Bằng việc sử dụng những vật liệu đơn giản dễ tìm như chậu thau, thanh nhôm phế thải, nhựa composit đúc thành dáng Turbine với công suất tối đa 200W, giải pháp có thể giúp một hộ gia đình thắp sáng 3-4 bóng đèn led, lắp quạt điện và sạc thiết bị trong nhà. Bên cạnh đó, Turbin gió tích hợp với pin năng lượng mặt trời để tận dụng ánh nắng ban ngày, bình sạc ác quy và thiết bị chuyển đổi. Chi phí cho thiết bị này cũng chỉ dao động quanh mức 3-4 triệu đồng. Mô hình của Green Design trong giai đoạn đầu là sản phẩm sẽ được các tổ chức xã hội mua để Green Design lắp đặt cho người nghèo miễn phí. Bản thân mô hình này cũng đang tận dụng được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ người nghèo và vẫn giúp thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp cũng như cải tiến liên tục. Tuy nhiên, với mức giá này và tiềm năng giải quyết vấn đề năng lượng cho các hộ gia đình quy mô nhỏ vốn chiếm một số lượng không hề nhỏ tại các vùng sâu vùng xa và ven đô những thành phố lớn, sản phẩm hoàn toàn có thể được thương mại hóa và mang lại giải pháp năng lượng cho nhiều người nghèo.

Các turbin gió được lắp đặt tại các hộ gia đình ở Sông Hồng, có thể giúp việc thắp sáng. Ảnh: FB của 1516-Green Design.

KHỞI NGHIỆP B2B – PHẦN 2 – NHỮNG HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI

Trên thực tế, thị trường B2B có nhiều điểm khó nhưng không phải là không có hướng phát triển để khai thác tiềm năng của thị trường này. Theo quan sát của chúng tôi với một số khởi nghiệp B2B thành công ở Việt Nam thời gian vừa qua như ABIVIN, Wisami, Slimweb, có thể rút ra một số cách tiếp cận như sau:

Khởi nghiệp tinh gọn áp dụng cho B2B

Trong cuốn sách của mình Lean B2B – how to build products that businesses want(tạm dịch: Khởi nghiệp tinh gọn: làm sao xây dựng được những sản phẩm doanh nghiệp muốn có), Étienne Garbugli từng chỉ ra rằng, việc áp dụng khởi nghiệp tinh gọn cho tiếp cận và phát triển giải pháp cho thị trường B2B cần phải được thực hiện một cách bài bản và nghiêm túc theo đúng tinh thần xây dựng, đo lường học hỏi. Nhưng với đặc thù của mình, khởi nghiệp B2B cần phải có cách tiếp cận khác. Theo đó:

Doanh nghiệp khởi nghiệp cần bắt đầu từ bối cảnh cạnh tranh trên thị trường, hiểu rõ những lợi thế và điểm bất lợi của mình và cả cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp. Ở bước này, có một sai lầm thường gặp phải, đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng mình không có đối thủ cạnh tranh, mình là duy nhất trên thị trường. Trên thực tế, ngay cả khi giải pháp của bạn rất mới thì điều đó không có nghĩa là không có cạnh tranh. Luôn có những giải pháp thay thế để giải quyết vấn đề cho khách hàng mà chính khách hàng đang sử dụng và cân nhắc.

Phải hình thành những giả định đầu tiên và tìm kiếm những vấn đề và cơ hội thực sự có tiềm năng. Ở bước này, thay vì gọi tên vấn đề trong trí tưởng tượng, việc khởi nghiệp B2B cần thiết phải làm đó là thực sự nói chuyện và phỏng vấn sâu với những chủ doanh nghiệp mình nhắm tới. Việc đến phỏng vấn hãy tập trung vào vấn đề và quên hết những giải pháp mình đang có. Những hiểu biết sâu về vấn đề của khách hàng là cần thiết để hoàn thiện sản phẩm và/hoặc định hướng sản phẩm trước khi thực sự bước chân vào doanh nghiệp và đặt giải pháp lên bàn đàm phán. Trên thực tế, chủ doanh nghiệp sẽ chỉ quan tâm đến vấn đề của họ chứ không phải giải pháp của bạn.

Tìm kiếm những khách hàng đầu tiên chấp nhận thử nghiệm sản phẩm. Trên thực tế, việc tìm kiếm những khách hàng đầu tiên có lẽ là bước khó khăn nhất của khởi nghiệp B2B. Để tránh bị rơi vào vòng luẩn quẩn khi khách hàng bắt bạn phải bỏ mọi chi phí ban đầu để thử nghiệm và họ muốn nhìn thấy kết quả rồi mới làm. Hãy dũng cảm bỏ qua những khách hàng đó. Những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở bước này thường biết rõ mình có gì và khách hàng cần gì để đưa họ vào cuộc thử nghiệm cùng bạn mà cả hai cùng có lợi. Bạn có thể tính toán dựa trên chi phí tối thiểu để thực hiện dịch vụ, nhưng đừng quên đổi lại những điều kiện quan trọng như: thanh toán (để đảm bảo bạn có dòng tiền để thực hiện thử nghiệm giải pháp), phản hồi của khách hàng, điều kiện thanh toán ưu đãi nếu có để đổi lại. Nếu họ tiếp tục đòi chiết khấu cho việc sử dụng tiếp dịch vụ, hãy đề nghị đổi lại họ sẽ giới thiệu bạn với một doanh nghiệp tương tự cũng có mong muốn. Hãy tự mình bỏ đi tâm lý làm miễn phí. Mô hình miễn phí ban đầu hoặc cho quá nhiều sẽ giết chết doanh nghiệp ngay tức khắc. Khởi nghiệp B2B cũng không thể vội vàng chấp nhận mọi điều kiện mọi yêu cầu của doanh nghiệp đồng ý thử nghiệm bởi điều đó rất có thể tạo ra những nguy cơ cho dự án do tốn quá nhiều nguồn lực.

Một ví dụ khá điển hình của việc tìm kiếm và kiểm chứng mô hình kinh doanh bằng khách hàng đầu tiên là ABIVIN- một doanh nghiệp khởi nghiệp B2B cung cấp giải pháp tối ưu hóa đường đi. Ban đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp với thế mạnh về thuật toán mà Phạm Nam Long nghiên cứu và phát triển về dữ liệu lớn. Dữ liệu vốn là một vấn đề rất đau đầu của ngành ngân hàng tài chính. Với suy nghĩ đó, Long bắt đầu với khách hàng nhắm đến là lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Sau rất nhiều giả định về nhu cầu của các tập đoàn viễn thông, ngân hàng v.v., Long đã có gặp gỡ trao đổi, Long đã tìm ra khách hàng đầu tiên của doanh nghiệp lại không phải là những đối tượng trên mà trên thực tế là một công ty đa quốc gia. Từ khách hàng đầu tiên này, sản phẩm được định hình tốt hơn từ thị trường cho những doanh nghiệp lớn và liên tục tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Sau 2 năm hoạt động, ABIVIN Route 3.0 ra đời tập trung vào mảng tối ưu hóa cho lĩnh vực logistics. Hướng đi này cũng mở ra cơ hội cho ABIVIN bước sâu hơn vào thị trường logistics đầy tiềm năng.

Có thể nói, những dự án cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của những khách hàng đầu tiên sẽ có nguy cơ thất bại cao hơn những nhóm thực hiện những nhu cầu tối thiểu và sau đó từ từ mở rộng và tìm cách đóng gói để lặp lại mô hình và nhân dịch vụ ra cho những đối tượng đại trà hơn. Việc áp dụng cách làm tinh gọn theo vòng lặp xây dựng-đo lường-học hỏi liên tục sẽ giúp doanh nghiệp có những thất bại nhỏ nếu giả định là sai để từ đó điều chỉnh và tránh những thất bại lớn hơn. Trong quá trình hoàn thiện đó, điểm quan trọng nhất chính là tốc độ kiểm chứng và điều chỉnh. Sẽ không sai nếu nói rằng, việc làm nhanh sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực, tập trung được vào những tính năng cốt lõi và quan trọng nhất với khách hàng. Đó cũng là cách mà một khởi nghiệp B2B Wisami- một giải pháp về chấm công trong doanh nghiệp đã thực hiện. Wisami bắt đầu nhỏ tiến hành điều chỉnh nhanh thay vì đi vào đáp ứng nhu cầu của một khách hàng cụ thể, từ đó tiết kiệm được nhiều nguồn lực, thời gian và tìm được hướng đi nhân rộng mô hình và mở rộng dịch vụ.

Tìm kiếm và phát triển thị trường ngách: Tìm thị trường ngách trong cả B2B và B2C là bước đi quan trọng để sống sót trên những thị trường nhiều cạnh tranh trong khi năng lực của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Việc lựa chọn thị trường ngách đòi hỏi khởi nghiệp B2B phải có những hiểu biết rất sâu sắc về thị trường và những lợi thế mà mình có. Thị trường ngách của khởi nghiệp B2B có thể là một phân khúc khách hàng chưa ai phục vụ, cũng có thể là một khoảng trống về sản phẩm chưa ai cung cấp cho một thị trường lớn v..v. Một ví dụ khá thú vị là một khởi nghiệp B2B đi ra từ một doanh nghiệp phần mềm hơn 10 năm hoạt động – Slimweb.vn của Vinno. Slimweb vốn ban đầu nhắm đến việc tạo ra landing page gắp thả dễ dàng. Thay vì tập trung vào hình thức đẹp như WordPress hay Squarespace vốn nhắm vào phân khúc trả phí, Vinno nhận thấy có một nhu cầu rất lớn của những mô hình kinh doanh nhỏ. Họ không quan tâm đến công cụ nào, họ cũng không biết lập trình, không quan tâm đến hosting hay server, và loay hoay vô cùng để tạo ra một gian hàng. Mong muốn lớn nhất của họ là có “cửa hàng trực tuyến” để bán hàng mà không phải trả phí nhiều. Nắm bắt được nhu cầu này, slimweb nhắm đến phân khúc mô hình kinh doanh nhỏ, có thể tự tạo web trong 2h, để giới thiệu sản phẩm, quản lý các cuộc gọi, email gọi đến và miễn phí. Chỉ khi chủ doanh nghiệp muốn kết nối tên miền mới phải trả một khoản phí rất nhỏ để duy trì và kết nối. Đó là lý do chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra đời, slimweb đã có hàng nghìn trang landing page được tạo ra, có những khách hàng bán được sản phẩm ngay khi tạo landing page một thời gian ngắn.

Ra khỏi vùng an toàn: Ở Việt Nam, nhằm thay đổi tâm lý của khách hàng là doanh nghiệp về tiềm năng của sản phẩm, hoặc do tốn quá nhiều thời gian để giáo dục thị trường, các khởi nghiệp B2B có thể lựa chọn cách vươn ra thị trường quốc tế nơi trình độ công nghệ và hiểu biết của doanh nghiệp tốt hơn để tìm kiếm những khách hàng đầu tiên sẵn sàng sử dụng và thử nghiệm. Sau khi thành công ở thị trường nước ngoài, họ sẽ tìm cách quay lại thị trường Việt Nam với những kinh nghiệm, hồ sơ và danh sách khách hàng nước ngoài. Đó có thể coi là tấm vé để thuyết phục thị trường Việt Nam về sản phẩm. Tuy vậy, để thực hiện được điều này, chính khởi nghiệp B2B phải dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của thị trường nội địa vốn quen thuộc về văn hóa, ngôn ngữ để thử nghiệm những thị trường mới. Bên cạnh đó, thị trường B2B nước ngoài đòi hỏi có network tốt, có nhân viên được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết về ngôn ngữ, chăm sóc khách hàng nước ngoài, phát triển nội dung bằng tiếng nước ngoài và có tầm nhìn quốc tế. Trên thực tế, những câu chuyện như vậy có xu hướng gia tăng, có thể kể đến như DesignBold (mô hình hỗn hợp B2B và B2C) hay NextSmarty – sử dụng trí tuệ nhân tạo để gợi ý. Tuy vậy, thực tế này phản ánh một bất lợi cho những doanh nghiệp khách hàng tiềm năng của khởi nghiệp B2B, không dám chấp nhận rủi ro sẽ không bao giờ thu nhận được gì. Doanh nghiệp dè dặt trong tiếp cận giải pháp của khởi nghiệp đồng nghĩa với sự chấp nhận đứng ngoài quan sát cuộc chơi và biến mình trở thành lạc hậu trong cuộc cách mạng về tăng hiệu quả và giảm chi phí.

 

Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh (Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup).

Tìm người chấp nhận sản phẩm đầu tiên là chưa đủ

Nguồn: Tia Sáng

CHUỖI BÀI VIẾT  “THẤT BẠI TINH GỌN”- Nguyễn Đặng Tuấn Minh (Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup).

Thất bại là bạn đồng hành của mọi doanh nhân, có điều thất bại đó sớm hay muộn, quy mô to hay nhỏ, hậu quả của nó như thế nào và bạn học được gì từ đó.


Gian hàng của Cyhome tại Techfest 2016.

Vẫn tiếp tục mạch phân tích kỹ thuật về mô hình kinh doanh và sự biến chuyển của mô hình kinh doanh dựa trên những thất bại tinh gọn của những lần trước, chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ người đọc còn bởi mọi người đều thấy câu chuyện của mình trong những thất bại của người khác. Trên thực tế, bạn đã thất bại nhiều lần không đảm bảo là bạn sẽ không thất bại nữa mà chỉ là bạn sẽ đến thành công theo cách khác với những cách đã thất bại thôi. Ngay cả những doanh nhân thành công nhất, khi họ kể chuyện cho bạn, họ cũng sẽ kể về thất bại. Vì vậy, chúng tôi hy vọng, nhận biết thất bại sớm, nhận biết thất bại thường xuyên nhưng với tinh thần hướng về phía trước là điều quan trọng phân biệt doanh nhân với những người khó chấp nhận rủi ro khác.

Nếu ở hai lần trước, chúng tôi tập trung vào câu chuyện thất bại trên thị trường B2C thì lần này, chúng tôi muốn hướng câu chuyện đến thị trường B2B vốn là một khoảng trống đầy tiềm năng của Việt Nam, nhưng không dễ chen chân vào và sống sót. Thị trường B2B đúng như Étienne Garbugli (tác giả của cuốn Lean B2B – Build Products businesses want, tạm dịch là B2B Tinh gọn – Xây dựng sản phẩm doanh nghiệp muốn có) nhận định, với những đặc thù của thị trường B2B, bạn không thể thử- sai liên tục, bạn cần có những người chấp nhận sản phẩm đầu tiên, nhưng thế vẫn là chưa đủ.

Câu chuyện mà chúng tôi chia sẻ với bạn hôm nay là của Phạm Hùng Phong, một nhân vật với rất nhiều thất bại trước đó, với xuất phát điểm là “dân kỹ thuật”. Sản phẩm của anh, Cyhome – Hệ sinh thái chung cư thông minh được xây dựng từ nhu cầu cá nhân, giống như câu chuyện của rất nhiều startup founder khác.

Xuất phát điểm của dự án

Sống trong một chung cư lớn và gặp rất nhiều vấn đề phải thanh toán tiền mặt hằng tháng (xếp hàng để trả các khoản phí điện, nước, điện thoại v.v.) trong khi đó dịch vụ quản lý chất lượng tòa nhà thì rất kém và thiếu trầm trọng các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Phong đã nhận thức nhu cầu của bản thân và quan sát những cư dân khác để từ đó có niềm tin rằng, mình có thể cải thiện tình hình và đây cũng là nhu cầu chung của thị trường.


Nền tảng cung cấp các chức năng quản lý tòa nhà cơ bản của Cyhome.

Với cách tiếp cận đi từ người dùng cuối, tập trung vào cộng đồng dân cư trẻ thông minh, giỏi công nghệ và sẵn sàng chia sẻ, CyHome đã ra đời với tầm nhìn trở thành Hệ sinh thái chung cư thông minh. Tuy nhiên, một xuất phát điểm tốt giải quyết một vấn đề thực sự có thật, không chỉ của mình mà còn của mọi người không phải là sự đảm bảo 100% cho thành công. Từ tầm nhìn đầu tiên đó, Phong đã tiến hành những thay đổi mô hình kinh doanh quan trọng dựa trên những thất bại trong thử nghiệm chưa kể những thay đổi nhỏ trong suốt quá trình.

Những thay đổi mô hình kinh doanh

Lần thứ nhất: Với mong muốn xây dựng một giải pháp toàn diện cho các chung cư, nhắm đến những người quản lý tòa nhà, cả nhóm dành thời gian công sức phát triển một hệ thống đầy đủ tính năng. Tốn quá nhiều thời gian tập trung vào vấn đề kỹ thuật và tính năng của sản phẩm mà không hiểu gì về khách hàng, Cyhome thất bại trong việc tìm những người đầu tiên chấp nhận sản phẩm và không thể bán được phần mềm.

Lần thứ hai: Rút kinh nghiệm từ sự thiếu hiểu biết khách hàng của lần 1 vốn là những người quản lý tòa nhà, Cyhome chuyển hướng sang nhắm đến nhóm cư dân với niềm tin rằng, sự đồng cảm, điểm tương đồng sẽ giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng tốt hơn. Sản phẩm ra mắt với những tính năng như thanh toán trực tuyến tiền điện, tiền nước, tiền internet, truyền hình cáp phục vụ cho người dùng cuối là những cư dân. Tự tin với hiểu biết về nhóm cư dân, với niềm tin rằng khi cư dân sử dụng giải pháp, các quản lý tòa nhà sẽ bị thuyết phục sử dụng giải pháp, vì vậy Cyhome quyết định thuyết phục các cư dân và không đề xuất hợp tác với các quản lý tòa nhà. Lần này, sản phẩm tiếp tục gặp thất bại. Những cư dân không tin vào nền tảng và dịch vụ do sản phẩm dịch vụ không có thương hiệu, và cũng không tạo được niềm tin với người quản lý.

Lần thứ ba: Sau hai thất bại, Phong nhận ra, sự thiếu hiểu biết khách hàng của cả hai phía của thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại trên. Với một thị trường đa diện (multi-sided market)1, Phong buộc phải hiểu hành vi của người dùng là cả quản lý tòa nhà và ban quản lý tòa nhà. Tự đăng ký tham gia các lớp học quản lý bất động sản và quản lý tòa nhà nhiều lần để tìm hiểu và xây dựng quan hệ với những người trong ngành, Phong bắt đầu thu thập được những kiến thức về lĩnh vực, hiểu được những vấn đề thực sự bên trong công việc quản lý tòa nhà, những khó khăn việc quản lý tòa nhà gặp phải. Với những hiểu biết thực sự tốt hơn, Phong cùng cả nhóm đã xây dựng được một giải pháp tốt hơn cả nhu cầu thị trường. Giờ đây sản phẩm không còn là một hệ thống phần mềm quản lý mà là một giải pháp cho những vấn đề người quản lý tòa nhà và cả cư dân gặp phải. Cyhome đã có những khách hàng đầu tiên chấp nhận sản phẩm.

Tuy nhiên, hai lần thất bại trước cộng thêm thời gian phát triển sản phẩm, lần này Cyhome tiếp tục gặp thất bại do hết sạch tiền. Các đồng sáng lập muốn từ bỏ công ty. Thiếu nguồn lực con người và tiền bạc, lại nhắm vào một sản phẩm mà chu trình bán hàng quá dài, chi phí bán hàng quá lớn, đội nhóm tan rã. Cyhome chính thức chấm dứt mô hình kinh doanh kiểu Phần mềm như một dịch vụ (SAAS). Phân tích lại các thất bại, Cyhome nhận ra xuất phát điểm tại thị trường phía Bắc chính là một trong những nguyên nhân khác dẫn đến việc chu trình bán hàng dài và chi phí bán hàng lớn do mất rất nhiều thời gian thuyết phục và giáo dục thị trường. Vốn nổi tiếng là thị trường bảo thủ và dè dặt khi chấp nhận cái mới, thị trường miền Bắc không thể là sự lựa chọn tốt nhất cho các giải pháp công nghệ mới, vốn đòi hỏi mất thời gian và công sức để có khách hàng đầu tiên và chấp nhận giới thiệu giải pháp cho những bên khác. Việc đội nhóm tan rã là điều dễ hiểu bởi lẽ họ không thể đợi cho đến khi thị trường sẵn sàng.

Lần thứ tư: Hai đồng sáng lập còn lại quyết định rời thị trường miền Bắc và xây dựng lại từ đầu ở thị trường miền Nam. Với độ mở về tư duy của thị trường, công ty nhanh chóng có được những người chấp nhận sản phẩm đầu tiên, sẵn sàng thử và cho phản hồi về sản phẩm dịch vụ. Và cuối cùng một mô hình kinh doanh mới cho Cyhome ra đời: một nền tảng cung cấp những tính năng cơ bản cho quản lý tòa nhà, thanh toán, cho phép tích hợp dịch vụ và tích hợp thiết bị. Từ xuất phát điểm này, Cyhome có thể kết nối với hệ thống kế toán, các phần mềm về bãi đỗ xe v..v và trở thành điểm kết nối cho các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Tiếp tục phát triển theo hướng này, dần dần chu kỳ kinh doanh của Cyhome được cắt ngắn lại, có thêm khách hàng, Cyhome tiếp tục phát triển theo hướng này và dần giáo dục được thị trường. Doanh thu chính đến từ các nhà cung cấp dịch vụ trong khi Cyhome tập trung phát triển và chăm sóc cộng đồng người dùng thông minh. Chính những người dùng này sẽ thúc đẩy thị trường của những nhà quản lý, những người cung cấp thiết bị internet kết nối vạn vật và cả những đối tác quản lý bất động sản.

Một vài điểm rút ra

Thị trường B2B không dễ tiến hành những thử nghiệm giống như thị trường B2C bởi nếu bạn mang đến một sản phẩm tồi, hoặc thiếu hiểu biết về những vấn đề của doanh nghiệp bạn có nguy cơ mất cơ hội vĩnh viễn được làm việc với họ. Thị trường B2B không quan tâm đến giải pháp của bạn, thứ họ quan tâm là vấn đề của họ. Trong thị trường đa diện như Cyhome nhắm tới, điều quan trọng nhất là việc quan tâm đến vấn đề của cả hai phía và tìm điểm gặp nhau giữa hai thị trường. Những lần thất bại trước của Cyhome là do sự thiếu hiểu biết về những vấn đề của cả hai nhóm khách hàng. Nhưng điều làm nên thành công phía sau của Cyhome chính là họ đã tìm ra được nguyên nhân của thất bại và vượt ra những sai lầm thường gặp của các sáng lập có chuyên môn kỹ thuật- tập trung quá nhiều vào phát triển tính năng sản phẩm mà quên đi vấn đề của khách hàng.

Sự dũng cảm bước chân ra bên ngoài, đến nơi khách hàng đến, lắng nghe họ là mấu chốt để sản phẩm ra đời giải quyết được vấn đề của khách hàng. Cũng cần phải nói thêm, trong thị trường đa diện, bạn cần phải xác định chính xác bạn đang phục vụ ai và ai mới là người trả tiền cho bạn. Trong trường hợp này, đó là những nhà cung cấp dịch vụ. Phong từng kể đã tham gia tới hàng chục khóa học như vậy để thực sự hiểu được vấn đề và quan trọng hơn cả là xây dựng được những mối quan hệ với họ. Trong thị trường đa diện, nếu bạn bán hàng cho doanh nghiệp, tổ chức, mà bạn không xây dựng được mối quan hệ với những người chấp nhận sản phẩm đầu tiên, có nghĩa là bạn chẳng có cơ hội nào. Mặc dù, chưa từng nghe đến B2B tinh gọn, cách làm của Phong thực sự có nhiều điểm tương đồng với 20 trường hợp thành công trong lĩnh vực B2B mà Étienne Garbugli đã tiến hành nghiên cứu để viết nên cuốn sách Lean B2B – một cuốn sách lấy cảm hứng từ khởi nghiệp tinh gọn của Eric Ries nhưng cũng đồng thời phân tích và chỉ ra điểm yếu của việc ứng dụng khởi nghiệp tinh gọn trong môi trường B2B.

Một quyết định kiểu thất bại tinh gọn khác là chuyển đổi thị trường khi thất bại ở thị trường miền Bắc. Trong thị trường B2B những người đi tiên phong thường tốn nhiều thời gian để thuyết phục và giáo dục thị trường nhất. Do mất nhiều thời gian vào những việc như vậy, nên họ thường khó là bên thành công, người hưởng lợi sẽ là những người đến sau trên thị trường do hưởng lợi từ những kiến thức, hiểu biết của người dùng đã được giáo dục trước đó. Chính vì lẽ đó, nếu cố gắng phát triển tại một thị trường bảo thủ, khó tiếp nhận cái mới, doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian công sức để giáo dục thị trường, và tự mình đẩy doanh nghiệp vào một chu trình kinh doanh dài hơn, tốn kém hơn. Chủ động tìm kiếm những thị trường có độ mở cao hơn, người mua sẵn sàng hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và rút ngắn quá trình thử nghiệm. Đó cũng là cách để bạn vượt nhanh hơn qua bẫy từ đi từ một số lượng người chấp nhận sản phẩm ban đầu nhỏ (early adopters) sang đa số chấp nhận sản phẩm ban đầu (early majority) mà Geoffrey A. Moore gọi là “chasm”.

Một số câu hỏi chính bạn có thể đặt ra khi chọn kinh doanh ở thị trường B2B:
Bạn có thực sự hiểu vấn đề mà doanh nghiệp/tổ chức bạn đang nhắm đến gặp phải không?
Nếu không phải là người đi từ trong ngành ra, bạn đã trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện với những người trong ngành bao nhiêu lần?
Bạn có tìm được những người chấp nhận sản phẩm đầu tiên không?
Số lượng người này tiềm năng nhân rộng ra trên thị trường không?
Mức độ sẵn sàng cho sản phẩm dịch vụ mới của thị trường như thế nào?

Không có một công thức để đảm bảo cho thành công, nhưng bạn có thể học hỏi từ thất bại của chính mình. Chính vì vậy, thay cho lời kết, chúng tôi xin trích câu “Hãy thất bại sớm, thất bại thường xuyên, nhưng hãy luôn thất bại hướng về phía trước”- John Maxwell, tác giả cuốn sách Turning Mistakes Into Stepping Stones for Success (Tạm dịch là: Biến mỗi sai lầm thành một viên gạch nền cho thành công) như một lời nhắc nhở với các sáng lập khởi nghiệp đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh, một sản phẩm, dịch vụ mới, hãy thất bại nhanh và tinh gọn nhất trên tinh thần hướng về phía trước.

Chú thích:
1. Là thị trường bạn cung cấp dịch vụ chính cho một hoặc một số nhóm nhưng lại kiếm tiền từ nhóm khác. Ví dụ: Google phục vụ công cụ tìm kiếm miễn phí cho người dùng Internet nhưng thu tiền quảng cáo của các công ty, tổ chức muốn quảng cáo để có thứ hạng tìm kiếm trên cùng.
2. “Fail early, fail often but always fail forward” – John Maxwell, Failing forward: Turning Mistakes Into Stepping Stones for Success

IKEA – Từ hiểu đến thành công

“Con người ta thường không biết họ muốn gì cho đến khi bạn chỉ ra cho họ thấy” A lot of times, people don’t know what they want until you show it to them – Steve Jobs.

Nội thất phẳng của IKEA. Nguồn: Inhabitat.com

Khởi nghiệp tinh gọn (Lean startup) không phải là một phương pháp mới được phát minh hay một trào lưu mang tính thời thượng, bản chất nó là cách tiếp cận được khái quát hóa qua nhiều thành công. Tư duy thiết kế (design thinking) vốn cũng không mới, cùng với những hiểu biết về con người, đặt con người vào trọng tâm của đổi mới sáng tạo và quan trọng hơn là đi trước những nhu cầu mà chính con người chưa gọi tên ra được đã giúp các doanh nghiệp thành công. Thay vì so sánh và phân tích điểm giống và khác nhau giữa Khởi nghiệp tinh gọn và Tư duy thiết kế, nếu sử dụng hai lăng kính này để phân tích một số thành công, có thể bạn sẽ tìm ra những hướng đi đổi mới sáng tạo cho chính doanh nghiệp mình.

Có nhiều người nói Steve Jobs chẳng bao giờ chịu lắng nghe  khách hàng của mình. Chúng tôi thì không cho là vậy, tôi chỉ thấy do Steve Jobs đã quá hiểu con người. Iphone đời đầu ra mắt đánh dấu sự chuyển mình của một thời đại điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng chạm đa điểm. Thời kỳ Iphone bùng nổ và thành công – đó chẳng phải  ngẫu nhiên, Steve Jobs hiểu con người vốn thích được vuốt ve, sờ chạm.


Tư duy thiết kế

Khởi nghiệp tinh gọn.

Hiểu con người, hiểu khách hàng luôn là lợi thế bất tận giúp con đường đi đến thành công của các doanh nghiệp được rút ngắn đi một phần. Câu chuyện ngày hôm nay chẳng phải về Steve Jobs hay về Iphone, tôi đem tới một tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới – cũng là bậc thầy về sự am hiểu con người, đã và đang thay đổi cách mua sắm của chúng ta – IKEA.

Kiểm chứng thị trường, tận dụng nguồn lực sẵn có và điều chỉnh một cách tinh gọn

Năm 17 tuổi, Ingvar Kamprad cho ra đời một cửa hàng tiện lợi bán “thập cẩm” các loại đồ từ bút viết, ví tiền cho đến khung ảnh, khăn trải bàn hay là bán từ đồng hồ trang sức cho đến túi ni-lon, nhưng đặc điểm chung của những thứ đồ này là luôn rẻ hơn giá thị trường.

Nội thất được sản xuất ở địa phương giúp giảm thiểu giá thành sản phẩm nhờ chi phí vận chuyển thấp, Ingvar quyết định tận dụng nguồn lực địa phương – đưa các sản phẩm nội thất trở thành mặt hàng lên kệ trong cửa hàng “thập cẩm” của mình. Chàng thanh niên 20 tuổi tận dụng nguồn lực triệt để đến mức xe giao sữa cũng được Ingvar đem đi để làm xe chở hàng.

Qua giai đoạn thử và kiểm chứng thị trường, khi việc bán nội thất với giá thấp đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho IKEA, Ingvar quyết định cắt bỏ toàn bộ các sản phẩm đang kinh doanh khác và chỉ tập trung vào cải tiến về chất lượng và giá cả sản phẩm đem lại giá trị lớn nhất cho mình. Phải mất đến 5 năm để từ một cửa hàng bán hằng hà sa số các vật dụng cần thiết cho người tiêu dùng trở thành một cửa hàng chuyên bán đồ nội thất. Tuy nhiên, thời điểm các xưởng sản xuất địa phương bắt đầu tẩy chay và phản ứng tiêu cực khi các sản phẩm của họ bị IKEA ép giá thì cũng là lúc IKEA buộc phải bước tới giai đoạn chuyển mình – đó là tự sản xuất đồ nội thất chứ không thể phụ thuộc vào bên thứ ba.

Bắt đầu từ những vấn đề nhỏ nhất

Phải làm thế nào để tự sản xuất mà giá thành vừa hợp lý lại vừa chất lượng đến tay người tiêu dùng?

Đôi khi ý tưởng đến từ một rắc rối cỏn con và ta phải đặt ngược bài toán để giải quyết nó. Câu chuyện bắt nguồn từ chiếc bàn LÖVET (bàn nhỏ nhưng chân cao trong phòng khách) được đem đi vận chuyển lại không thể vừa trong chiếc ô tô vì chân bàn quá cồng kềnh. Người bình thường chỉ việc đổi một chiếc xe khác lớn hơn để vận chuyển nhưng người sáng lập IKEA nghĩ khác và tự hỏi: “Làm thế nào để giảm bớt sự cồng kềnh này đây?”. Đó chính là mầm mống cho sự ra đời của một mô hình nội thất hoàn toàn khác biệt -mô hình nội thất phẳng (mọi vật dụng có thể đóng gói ngăn nắp trong các hộp vuông và hộp chữ nhật)

Nội thất phẳng đã giải quyết được gần như toàn bộ những vướng mắc mà IKEA đang phải đối mặt. Với nội thất phẳng, nhân công để lắp ráp từng chiếc ghế hay mỗi chiếc bàn sẽ được giảm tải, hàng hóa không còn cồng kềnh thì sẽ giảm số lượng xe chở hàng. Chất lượng vẫn được đảm bảo và tất nhiên khi chi phí sản xuất và vận chuyển giảm cũng đồng nghĩa với việc giá thành tới tay người tiêu dùng cũng giảm. Như vậy, với việc đổi mới hoàn toàn mô hình sản xuất và cung ứng nội thất, IKEA thậm chí đã sáng tạo ra những giá trị mới vượt qua cả sự kỳ vọng của khách hàng.

Từ hiểu đi đến thành công

Không một ai có thể phủ nhận IKEA đã và đang thay đổi cách mua hàng của người dùng. Tất cả có thể lý giải bằng chữ “HIỂU”. IKEA hiểu quá rõ tâm lý cơ bản của con người để có thể đánh vào những điểm yếu đó.

Nội thất phẳng là thành công vang dội của IKEA không chỉ bởi chất lượng tốt giá thành phải chăng mà là còn bởi IKEA hiểu con người luôn muốn được tự do chinh phục và sở hữu. Nội thất phẳng giá vừa túi tiền hơn vì không tốn nhân công lắp ráp mà người lắp ráp chính là người mua. Dù việc lắp ráp đồ đạc khiến họ tốn thời gian đến thế nào, bỏ bao nhiêu mồ hôi công sức thì đến khi đã nhìn thấy sản phẩm hoàn thiện người mua vẫn sẽ vô cùng thỏa mãn, phấn khích bởi đó là tự tay họ làm và nó đáng giá.

Thiết kế tư duy thể hiện cả đến các chiến lược marketing, bài trí showroom của IKEA. Thiết kế tại các cửa hàng IKEA chính là đỉnh cao của sự am hiểu về tâm lý khách hàng. Thiết kế lối đi một chiều khiến người mua hàng vào đó luôn có cảm giác nếu không mua món đồ này bây giờ sẽ không quay lại được và bỏ lỡ mất món đồ mình ưng ý. Thiết kế các góc quẹo kích thích sự tò mò từ trong não bộ con người, phía sau góc quẹo kia có gì đó bí hiểm thôi thúc họ đi tiếp và khám phá. Kết quả là vì sợ tiếc nuối nếu không mua bây giờ thì lát nữa sẽ không quay lại lấy được và vì tò mò mà phải đi, đi tiếp, đi hết đường nên khi ra về trên tay ai cũng phải có thêm sản phẩm nào đó của IKEA.

Sự thành công đến từ hiểu con người chắc chắn sẽ không chỉ đúng với Iphone hay IKEA mà chắc chắn sẽ còn đúng với nhiều doanh nghiệp khác. Ở góc độ Khởi nghiệp tinh gọn và Tư duy thiết kế, hiểu con người cũng chính là hiểu về chính mình, hiểu khách hàng, vẽ được chân dung khách hàng và đồng thời vẽ lên cả trải nghiệm khách hàng. Con đường để hiểu con người, hiểu khách hàng không phải đơn giản và dễ dàng nhưng khi đã nắm được câu chuyện của mình cùng tâm lý khách hàng chắc chắn phía cuối đường sẽ có trái ngọt đang chờ.

Nguồn: Tia Sáng

Tác giả: Phạm Thị Mai- Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Tài liệu tham khảo:
http://www.bbc.com/capital/story/20180201-how-ikea-has-changed-the-way-weshop
https://sweden.se/business/ingvar-kamprad-founder-of-ikea/
https://www.ikea.com/ms/en_KR/this-is-ikea/the-ikea-concept/
https://www.ikea.com/ms/en_AU/about_ikea/the_ikea_way/history/1940_1950.html
https://www.independent.co.uk/property/house-and-home/leaders-of-the-flatpack-self-assembly-furniture-is-reinventing-itself-as-clever-sustainable-and-2063284.html