Hoa Yêu Thương – Ví dụ về “Cốc nước chanh thơm ngon” (dưới góc nhìn tư duy hướng tới hiệu quả)

Phân tích & Giới thiêu: Mai Phạm – Điều phối mạng lưới & truyền thông tại KisStartup

Nhắc đến Hoa Yêu Thương báo chí hay nhắc đến ông chủ Hoa Yêu Thương với cụm từ “Kỹ sư công nghệ thông tin đi bán hoa tươi”. Dưới góc nhìn của báo chí, sự thành công hiện nay của Hoa Yêu Thương là đi lên từ những chuỗi ngày dài khó khăn gian khổ và sự phấn đấu phát triển không ngừng. Nhưng tôi muốn nhiều hơn thế nữa, đi sâu hơn nữa về thành công và những thứ nằm sau đó dưới góc nhìn “tư duy hướng tới hiệu quả” – effectuations

 

#Birdinhand – Một con chim trong tay còn hơn hai con chim trong bụi rậm

Kể đến đây bạn có thể nghĩ “Một kỹ sư IT đi bán hoa tươi thì lấy gì làm ưu thế điểm mạnh mà để có “con chim” trong tay?”
Tôi tìm hiểu về ông chủ Hoa Yêu Thương mới biết 8 năm trước ông bắt đầu Hoa Yêu Thương với $700 đi vay. Xuất phát là dân IT, ông lập một trang web làm “nhà” cho Hoa Yêu Thương. Gần 20 triệu đồng mà lập nghiệp với hoa thì hơi ít ỏi nên ông chọn việc dùng hoa trong nước làm nguyên liệu chứ không phải hoa ngoại. Cứ như vậy, đến nay Hoa Yêu Thương vẫn chỉ dùng hoa nội địa chứ không chọn hoa nhập khẩu như nhiều hãng điện hoa lớn khác dù nguồn vốn nay đã nhiều hơn trước. Vẫn là câu chuyện dùng nguồn lực có sẵn, những năm nay ông và đồng nghiệp cùng nhau xây dựng phần mềm và cải tiến cho “nhà” Hoa Yêu Thương thông minh hơn, tiện ích hơn.

Và đến đây liệu bạn có cùng quan điểm giống tôi rằng ông chủ Hoa Yêu Thương lúc bắt đầu khởi nghiệp dù có là một kỹ sư IT chọn con đường bán hoa tươi thì vẫn tìm ra thế mạnh, nguồn lực và đã tận dụng được “con chim trong tay mình”.

Ông chủ Hoa Yêu Thương – Nguôn: Sưu tầm

#Lemonade – Đời cho ta một trái chanh chua thì hãy biến nó thành cốc nước chanh thơm ngon

Tận dụng nguồn lực sẵn có nhưng vẫn chưa đủ đối với Hoa Yêu Thương. Đến giờ là 8 năm tồn tại nhưng 5 năm đầu Hoa Yêu Thương vẫn sống vật vã. Đã có lúc doanh thu lên tới 900 triệu mà vẫn lỗ. Nghe thì thật không tưởng nhưng thực sự việc bán hoa trực tuyến rủi ro cao sẽ rơi vào việc hoa bị tồn kho mà lại không để được lâu.

5  năm vật vã đó đã khiến ông chủ của hãng phải đổi mình liên tục, phải nâng cấp trang web không ngừng. Nhờ những kinh nghiệm tích luỹ đó mà đến nay Hoa Yêu Thương mới có một hệ thống bán hàng chuyên nghiệp và thông minh giúp xử lý quy trình của một đơn hàng, tính toán chính xác thời gian, quãng đường đi để giao hoa đúng giờ, có thể dự báo số đơn hàng bán ra để có thể chuẩn bị đủ lượng hoa, bố trí nhân sự hợp lý. Điểm đặc biệt là hệ thống thông minh này sử dụng dữ liệu đầu vào là các yếu tố về kinh nghiệm, thời tiết, phong thủy, thông tin khách hàng được tích luỹ qua các năm để phân tích. Nhờ vậy mà giảm thiểu 20-30% nhân sự vào các khâu không cần thiết. “Trái chanh chua” mà Hoa Yêu Thương nhận được giờ đã thành “Cốc nước chanh thơm ngon” và lại còn  nhận được thêm “viên đường” – vốn đầu tư 1 triệu đô từ Greenwings

 

#Pilotintheplane – Kiến tạo tương lai

Một kỹ sư IT bỏ nghề đi bán hoa tươi, từng phải tự mình làm hết từ mua hoa, cắm hoa cho đến giao hàng, từng phải cầm cố đồ đạc để sinh tồn nhưng suốt 8 năm qua vẫn cố giữ cho Hoa Yêu Thương tồn tại và phát triển. Kỹ sư IT ấy vẫn hướng về tương lai, vẫn giữ vừng niềm tin về dịch vụ của mình và vẫn mơ về một giấc mơ đưa xây dựng hệ thống sinh thái cho ngành hoa tươi Việt Nam.
Đột nhiên làm tôi nghĩ đến một câu: “Forget all the reasons why it won’t work and believe the one reason why it will.” – “Hãy quên hết những lý do khiến nó thất bại và hãy tin vào dù chỉ một lý do khiến nó thành công”

Nguồn: KisStartup

Blog do những Sáng lập & Đội ngũ tại KisStartup viết và giới thiệu tới bạn. Rất mong nhận được phản hồi, chia sẻ của bạn đọc. Nếu trích dẫn, xin bạn lưu ý chỉ rõ nguồn và tác giả để tôn trọng những nỗ lực của chúng tôi. Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại : http://www.kisstartup.com

 

 

Tư duy hướng tới hiệu quả: Phân tích từ Marou – Khai thác thế mạnh cốt lõi

DOUNIAMAG-VIETNAM-COMMODITIES-CHOCOLATENhiều người nói đến trường hợp của Socola Marou, đến câu chuyện của hai chàng trai Pháp sang Việt Nam làm loại sô cô la ngon nhất thế giới ở các khía cạnh thành công của họ: thiết kế đẹp, nhắm vào nhóm phân khúc khách hàng nước ngoài v..v. Cá nhân tôi cho rằng, có một vài điểm trong câu chuyện của họ rất đáng chú ý. Nó luôn khiến tôi băn khoăn tại sao doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Bài viết ngắn này, tôi chia sẻ quan điểm từ góc nhìn “tư duy hướng tới hiệu quả – effectuations (tư duy hướng tới hiệu quả) mà chúng tôi có dịp giới thiệu với các bạn.

Đầu tiên, có thể bạn cũng đồng ý với tôi rằng

  1. Khi nghỉ việc để tập trung vào socola cho dù họ không nắm trong tay công thức hay công nghệ sản xuất socola nào, điều đó không có nghĩa là họ không có gì.
  2. Khi họ đưa sản phẩm của họ tới những người nước ngoài ở Việt Nam và xuất khẩu có lẽ, họ cũng không nghĩ quá nhiều về việc sử dụng các bài báo, blog nước ngoài để viết bài, từ đó báo Việt dịch lại và PR cho họ tại thị trường Việt Nam

Tôi chỉ nghĩ chắc chắn họ đang tận dụng rất tốt những thế mạnh họ thực sự có, vượt lên trên những gì chúng ta thấy trên bề mặt như thiết kế đẹp. Tôi cho rằng họ tận dụng rất tốt thế mạnh cốt lõi của mình là sự hiểu biết về thị trường Âu về gu thưởng thức và những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Người Việt sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để thực sự hiểu được gu thưởng thức socola của thị trường Châu Âu, và có lẽ rất ít nhà sản xuất Việt Nam biết đến những nơi như Academy of Chocolate (Viện Hàn lâm Socola) ở Anh để tạo cho sản phẩm những tấm giấy thông hành để xuất khẩu như họ.

Mặt khác, hai chàng trai này cũng tận dụng được tối đa việc thử nghiệm, giới thiệu sản phẩm trong cộng đồng nhỏ của nước ngoài ở Việt Nam. Mối quan hệ của họ trong mạng lưới những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cho họ sự tiếp cận một cộng đồng nhỏ nhưng đa dạng và mở ra đầy hứa hẹn cho những cơ hội xuất khẩu.

Một trong những lý do khiến sản phẩm của họ thực sự bền vững chính là sự gắn bó mật thiết với những giá trị bản địa bản địa của sản phẩm. Để tôn vinh vùng trồng nguyên liệu cho Socola Marou, thay vì chọn những cái tên Pháp, Marou chọn những cái tên đầy trân trọng cho những loại sản phẩm của họ: 5 loại socola của hãng theo 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bến Tre.

Một sản phẩm kết hợp giữa những giá trị cốt lõi bản địa với thế mạnh về hiểu biết thị trường chắc chắn sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển. Bài viết không nhằm mục đích quảng bá cho bất kỳ thương hiệu, sản phẩm dịch vụ nào. Tại KisStartup, chúng tôi tập cho mình một thói quen từ mỗi câu chuyện thành công hay thất bại phải cố gắng nhìn ra những giá trị từ câu chuyên của họ để liên tưởng đến những câu chuyện startup chúng tôi đang làm việc.

Nếu phân tích dựa trên 5 tư duy hướng tới hiệu quả, có lẽ không phải nói quá nhiều, điểm nổi bật trong cách suy nghĩ của họ chính là khai thác triệt để thế mạnh của mình và tự kiến tạo tương lai. Trong thách thức của một thị trường đang phát triển như Việt Nam lại tồn tại rất nhiều cơ hội không chỉ của những vùng nguyên liệu trù phú mà còn ở thị trường thiếu thốn những sản phẩm tốt, có chất lượng thực sự. Họ không nghĩ quá nhiều về điểm yếu của mình trong việc thiếu kinh nghiệm trong sản xuất socola. Họ có niềm tin vào tiềm năng của sản phẩm và họ bỏ việc để tập trung hoàn toàn. Điều đó cũng cho thấy, giống như quan sát của tôi, trong nhiều trường hợp, thành công không đến từ người giỏi nhất mà đến từ người tập trung nhất và kiên trì nhất!

Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Nguồn: KisStartup

Blog do những Sáng lập & Đội ngũ tại KisStartup viết và giới thiệu tới bạn. Rất mong nhận được phản hồi, chia sẻ của bạn đọc. Nếu trích dẫn, xin bạn lưu ý chỉ rõ nguồn và tác giả để tôn trọng những nỗ lực của chúng tôi. Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại : http://www.kisstartup.com

KisStartup_wordpress

Tư duy hướng tới hiệu quả (Effectuations)

Nguyễn Đặng Tuấn Minh- Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với bạn những tư duy khởi nghiệp kinh doanh với cái tên “Tư duy hướng tới hiệu quả” – effectuation. Được tiến hành nghiên cứu qua phỏng vấn, lắng nghe và quan sát 27 CEO hàng đầu thế giới từ năm 1997, năm 2001 Saras Sarasvathy giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình với cái tên Effectuation. Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng đến 89% các CEO này ra quyết định dựa trên tư duy hướng tới hiệu quả thay vì hướng tới nguyên nhân như trước kia. Trong khi tư duy hướng tới nguyên nhân thường được sử dụng trong những tương lai đã được đoán định trước, những nguyên nhân cũng rõ ràng và dễ hiểu hơn, thì tư duy hướng tới hiệu quả được các CEO sử dụng rất nhiều trong bối cảnh mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng và khó đoán định.

 

Bạn có bao giờ tự hỏi CEO của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ra quyết định như thế nào không? Họ có những nguyên tắc gì khi ra quyết định quan trọng? Là một người khởi nghiệp kinh doanh, đôi khi bạn phải đứng trước những lựa chọn rất khó khăn: Theo đuổi những gì mình biết hay theo đuổi một thứ gì đó thực sự tiềm năng nhưng bạn chẳng có chút kinh nghiệm nào? Bạn nên đầu tư thật nhiều để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp hay bắt đầu với chi phí khiêm tốn?
Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với bạn những tư duy khởi nghiệp kinh doanh với cái tên “Tư duy hướng tới hiệu quả” – effectuation. Được tiến hành nghiên cứu qua phỏng vấn, lắng nghe và quan sát 27 CEO hàng đầu thế giới từ năm 1997, năm 2001 Saras Sarasvathy giới thiệu kết quả nghiên cứu của mình với cái tên Effectuation. Nghiên cứu của bà chỉ ra rằng đến 89% các CEO này ra quyết định dựa trên tư duy hướng tới hiệu quả thay vì hướng tới nguyên nhân như trước kia. Trong khi tư duy hướng tới nguyên nhân thường được sử dụng trong những tương lai đã được đoán định trước, những nguyên nhân cũng rõ ràng và dễ hiểu hơn, thì tư duy hướng tới hiệu quả được các CEO sử dụng rất nhiều trong bối cảnh mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng và khó đoán định.

Để người đọc hình dung cụ thể, tôi sẽ đưa ra các ví dụ trong từng nguyên tắc. (hình dưới)

effectuation-2

 Bird in hand – Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu ngạn ngữ: một con chim trong tay thì hơn hai con trong bụi rậm. Điều đó có nghĩa là hãy ra quyết định dựa trên việc đặt mục tiêu và bắt đầu ngay từ những gì mình đang có.

Chính vì vậy, ngay khi băn khoăn nên chọn ý tưởng nào để kinh doanh, bạn phải cân nhắc giữa nhiều lựa chọn khởi nghiệp, với nguyên tắc trên, có thể bạn sẽ bắt đầu từ thế mạnh của mình, đam mê của mình, và những nguồn lực mình đang có. Những điều này sẽ làm nền tảng để bạn kiểm soát tốt hơn chính tương lai của mình.

Câu chuyện 1: 
Hoàng Hiếu Huy, câu chuyện về startup chuyên ngành kế toán Việt được vinh danh ở Australia. Huy thi đỗ vị trí kế toán tại Viện Quản lý Ngân sách Công trình xây dựng Australia. Trong thời gian làm việc tại đây, anh bắt đầu nhận thấy tiềm năng phát triển cho dịch vụ thuê ngoài trong ngành kế toán.

Anh cho biết, hơn 90% công ty tại Canberra có quy mô nhỏ và vừa, trong khi giá thuê một nhân viên phụ trách kế toán khá đắt đỏ. Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp thường kiêm nhiệm luôn vấn đề sổ sách chi tiêu. Vì không có chuyên môn cộng thêm việc quản lý hoạt động kinh doanh, các ông chủ gặp rất nhiều khó khăn khi quản lý tài chính.

Đầu năm 2009, Huy đã thành lập công ty Harry’s Bookkeeping (sau đó đổi tên thành Tailored Accounts) cung cấp dịch vụ kế toán cho các công ty nhỏ và vừa. Nhằm tránh rủi ro về vốn – điểm anh cho là hạn chế lớn nhất cho các start-up khi bắt đầu khởi nghiệp, anh sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình làm vốn đầu tư ban đầu thay vì tìm kiếm các kênh bên ngoài. Để tiết kiệm, Huy sử dụng chính nhà ở làm văn phòng và tự mình kiêm nhiệm việc quản lý, quảng bá, giấy tờ, sổ sách và bán hàng. Thời gian này, anh vẫn tiếp tục công việc kế toán tại cơ quan Chính phủ để có chi phí duy trì công ty và sinh hoạt hằng ngày.

Huy đã đi từ thế mạnh của mình là kiểm toán, không vội bỏ việc ngay mà tận dụng những quan sát và quan hệ trong lĩnh vực của mình để có thể gây dựng dịch vụ tốt nhất trong khả năng có thể. Affordable loss – “chi phí thiệt hại chấp nhận được”: Giảm rủi ro bằng cách đặt các mục tiêu vừa sức, chi phí thấp.

Thay vì chi nhiều tiền cho các hoạt động nghiên cứu thị trường để tìm ra một phân khúc thị trường sẵn sàng chi trả cho giải pháp của mình, theo nguyên tắc giảm thiểu thiệt hại, Saras chỉ ra rằng các doanh nhân có thể tối thiểu hóa các nguồn lực về thời gian, công sức và tiền bạc, thậm chí ở mức cực đoan là không tốn một đồng nào để tiếp cận thị trường theo cách truyền thống. Nhiều doanh nhân thành công đã thực hiện điều đó bằng cách mang sản phẩm thử tới thẳng những khách hàng tiềm năng gần nhất. Nói một cách đơn giản, thay vì chi phí tốn kém cho các nghiên cứu thị trường, các doanh nhân này bán ý tưởng đầu tiên về sản phẩm, ngay cả trước khi sản phẩm định hình bằng việc tiếp cận những người có thể cần, lắng nghe những vấn đề của họ. Mặc dù rất vất vả ở giai đoạn đầu nhưng nghiên cứu thị trường quan trọng nhất chính là giai đoạn bán hàng thực thụ.

Cách tiếp cận này giúp khởi nghiệp không rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: muốn khảo sát thị trường nhưng không có kinh phí, kết cục là tạo ra những sản phẩm không ai muốn và tạo ra rất nhiều lãng phí về thời gian, tiền bạc và công sức.

Song, điều quan trọng nhất trong cách tiếp cận này là bạn phải luôn chăm chỉ, phải học từ khách hàng. Hơn nữa, qua việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và bán sản phẩm, bạn sẽ khám phá ra những vấn đề mới của khách hàng và thậm chí mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho chính mình.

Câu chuyện 2: 
Thay vì đầu tư vào quảng cáo, nghiên cứu thị trường Michelle Phan – “Phù thủy” trang điểm bắt đầu việc tiếp cận khách hàng bằng chiếc laptop và máy quay. Gây dựng được một trong những kênh video thành công nhất trên YouTube với 8.3 triệu lượt theo dõi và hàng tỉ lượt xem trong gần 10 năm qua đã là điều đáng nể, tận dụng được đà nổi tiếng đó để thành lập một công ty thực sự với doanh thu hằng năm 120 triệu USD còn đáng ngạc nhiên hơn. Nhưng đó chính xác là những gì Phan đã làm với Ipsy – hãng kinh doanh mỹ phẩm với 100 nhân viên.

Ipsy tính phí người dùng 10 USD mỗi tháng cho gói sản phẩm “Glam Bag” với mỹ phẩm kích cỡ dùng thử (sample-sized). Số khách hàng của họ vừa chạm mốc một triệu người, CEO Ipsy – Marcelo Camberos cho biết. Anh là người đồng sáng lập với Phan năm 2011.

Không như công ty đối thủ – Birchbox – đầu tư vào quảng cáo TV truyền thống và cửa hàng bán lẻ, Ipsy có khách hàng hoàn toàn nhờ độ phủ sóng của Phan trên mạng xã hội. “Chúng tôi có hơn 100.000 khách hàng đăng ký Glam Bag mới mỗi tháng, hoàn toàn không cần quảng cáo hay PR”, Camberos cho biết. Năm nay, Ipsy sẽ trở thành công ty lớn nhất Mỹ về kinh doanh sản phẩm kích cỡ dùng thử.

Patchwork quilt – Nguyên tắc chiếc chăn caro: mọi thứ đều bổ trợ lẫn nhau, vì vậy hãy liên tục tìm kiếm đối tác, đàm phán và có được cam kết thay vì cạnh tranh.

Các nhà sáng lập những công ty nói với nhân viên của họ tập trung vào công việc của mình thay vì quan tâm đến đối thủ cạnh tranh. Họ biến khách hàng, đối thủ trở thành đối tác chiến lược. Trên thực tế, việc xây dựng những mối quan hệ với khách hàng ngay từ đầu tạo nền tảng cho rất nhiều doanh nghiệp. Không mất nhiều thời gian thu thập dữ liệu những khách hàng, thu thập thông tin, họ thực sự tập trung vào số ít khách hàng họ hiểu rất rõ. Đây chính là cơ sở để xây dựng phân khúc khách hàng riêng và tìm ra đại dương xanh cho mình. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vì quá lo lắng về khả năng cạnh tranh đã tự đẩy mình vào cuộc cạnh tranh về giá với những đối thủ đang có mặt trên thị trường. Sai lầm này có thể dẫn đến việc phá sản do thiếu tiềm lực tài chính và chết dần do thiếu sự khác biệt, “phù thủy marketing” Steve Rivkin chỉ ra rằng, tập trung vào chất lượng, chiến lược khác biệt và bài bản sẽ là mấu chốt của thành công, giá rẻ là kẻ thù của sự khác biệt.

Nguyên tắc 4 và 5, hơn cả một nguyên tắc, đó là câu chuyện tư duy.

Lemonade – Có câu ngạn ngữ: Nếu cuộc đời ném cho bạn quả chanh, hãy làm cho mình một cốc chanh vắt, ám chỉ việc có thể biến những khó khăn, bất ngờ xảy đến thành cơ hội.

Được coi là tư duy cốt lõi dẫn đến thành công của các doanh nhân, thay vì đặt ra tình huống trong cuộc sống (điều gì xảy ra – nếu) để đối diện với những tình huống xấu nhất trong cuộc sống, họ diễn giải những bất ngờ này như một cơ hội để tạo ra những thị trường mới. Người điển hình cho tư duy này chính là Steve Jobs. Thất bại trong tranh giành quyền lực ở công ty chính mình tạo lập, Jobs phải rời khỏi Apple, rồi lại quay trở lại Apple 10 năm sau đó trong vai trò điều hành; Khi Steve Jobs điều hành Pixar, ông đã đàm phán thất bại với Disney trong việc hợp tác sản xuất một số siêu phẩm hoạt hình nhưng sau đó việc Pixar được Disney mua lại đã đưa ông trở thành cổ đông lớn nhất của Disney. Sự thăng trầm và những biến cố bất ngờ trong kinh doanh của Steve Jobs luôn khiến người khác phải ngạc nhiên khi ông xoay chuyển tình thế và trở thành người thắng cuộc.

Pilot in the plane – Hãy hành động, tương lai (thị trường) là do ta quyết định.

Bạn là phi công của chính chiếc máy bay cuộc đời bạn và cho chính công ty của bạn. Điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể kiểm soát được tương lai mà không cần đoán trước chuyện gì xảy ra. Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể kiểm soát được điều mình chưa biết ? Câu trả lời đến từ niềm tin của bạn về tương lai đến từ đâu? Cách tiếp cận truyền thống là chúng ta chỉ kiểm soát được tương lai chừng nào ta dự đoán được nó. Các doanh nhân hướng tới hiệu quả tư duy theo cách này: tương lai không chờ ở đó để ta khám phá mà được tạo ra từ những chiến lược của chính những người ở trong cuộc chơi kinh doanh này.
——-

Nguồn: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/tu-duy-hieu-qua-9808

Tham khảo:
Phù thủy trang điểm gốc Việt và cách mạng trong ngành mỹ phẩm thế giới
Nguồn:http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/phu-thuy-trang-diem-goc-v…
Start-up của doanh nhân Việt được vinh danh tại Australia
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/khoi-nghiep/start-up-cua-doanh-nh…
What makes entrepreneurs entrepreneurial? http://www.effectuation.org/sites/default/files/documents/what-makes-ent…

KisStartup_wordpress