Khởi nghiệp sáng tạo: Công nghệ mới cho những vấn đề cũ

(BĐT) – 2017 là năm chúng ta chứng kiến sự sôi động của các câu chuyện về công nghệ tiên phong trong làng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam khi mà số lượng doanh nghiệp (DN)/nhóm khởi nghiệp trong mảng công nghệ 4.0 gia tăng đáng kể.

01_EJGGNhiều DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển sang giai đoạn tăng trưởng nhờ tìm ra thị trường thực sự cho sản phẩm, dịch vụ. Các DN này đều có xuất phát điểm khá tương đồng: Những người sáng lập phát triển mô hình kinh doanh từ công nghệ lõi, giải quyết một vấn đề thực tại, tìm ra phân khúc thị trường có vấn đề đó lớn nhất và hình thành nên những sản phẩm, dịch vụ đổi mới. Sau đây là một số mô hình kinh doanh thú vị nhằm giải quyết một vấn đề vốn rất cũ nhưng bằng những công nghệ mới.

Giải bài toán tối ưu đường đi

ABIVIN, một trong các startup thành công nhất năm 2016 đã nhận định, với một thị trường mà chi phí logistics đang thuộc hàng cao nhất thế giới (“chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng trong GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu” – theo Ngân hàng Thế giới), thì cơ hội nằm chính ở những thách thức này.

Xuất phát từ thế mạnh thuật toán về dữ liệu lớn, ABIVIN chỉ thực sự bắt đầu nảy sinh ý tưởng khi có khách hàng đầu tiên gặp vấn đề và tìm đến. Từ đó, DN này đã tìm ra hướng đi thực sự về tối ưu hóa đường đi nhằm giảm thiểu chi phí, rủi ro và thời gian cho các DN trong lĩnh vực giao nhận, thương mại điện tử. ABIVIN tận dụng tối đa các công nghệ và thiết bị đang được sử dụng để giảm thiểu chi phí đầu tư cho DN sử dụng giải pháp và tập trung vào chuyên môn của mình là sử dụng dữ liệu lớn để phân tích và tìm ra đường đi tối ưu.

ABIVIN cũng nhận ra rằng, cái khó không nằm ở thuyết phục DN sử dụng giải pháp, mà chính là làm thật tốt các giải pháp đang có để từ đó mọi người nhận ra lợi ích của giải pháp. Mặt khác, với số lượng khách hàng đang tăng lên thuộc các nhóm quy mô khác nhau, trước mắt, việc phục vụ tốt những khách hàng lớn là nền tảng quan trọng để phát triển những giải pháp mang tính đại trà phục vụ nhiều hơn các DN ở quy mô khác nhau.

Công nghệ hỗn hợp trong quản lý nhà cho thuê

Bài toán giải quyết vấn đề thất thoát điện nước, thiếu minh bạch trong giá cả sinh hoạt phí của thị trường nhà cho thuê gây khó cho cả chủ nhà và người thuê nhà. Tình trạng này đang được một nhà khởi nghiệp sáng tạo đáng chú ý năm 2017, quán quân Techfest 2017 – AMI, đưa ra giải pháp rất thuyết phục: Kết hợp giữa việc phát triển phần cứng là các thiết bị kết nối Internet để thu thập và kiểm soát thông tin về điện, nước, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích các dữ liệu thu được, từ đó đưa ra những thông tin hữu ích cho người quản lý nhà.

Cộng đồng nhà thông minh AMI ra đời trước tiên là dành cho những người trẻ, muốn tiết kiệm thời gian, công sức thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước, muốn có sự minh bạch; những chủ nhà trẻ muốn kiểm soát công việc cho thuê nhà một cách đơn giản nhất, tiết kiệm thời gian nhất.

Việc nắm giữ những thông tin quan trọng xoay quanh một ngôi nhà không chỉ mang lại cho AMI một cộng đồng những người có nhà cho thuê, mà đang mở ra những hướng đi mới trong việc minh bạch hóa và tối ưu hóa nguồn lực khi nắm giữ được thông tin tiêu dùng các sản phẩm cơ bản như điện, nước, Internet – điều mà không chỉ thị trường nhà cho thuê, mà thị trường bất động sản, du lịch đều đang rất cần. Việc nắm thông tin về căn hộ cũng dẫn đến bài toán mới là khả năng tối ưu hóa dung lượng còn trống của các không gian và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Do đó, AMI đã phát triển thêm được cả mảng tối ưu việc cho thuê phòng giúp các chủ nhà và dịch vụ sửa chữa nhỏ những hỏng hóc phát sinh trong quá trình thuê nhà.

Giảm thời gian, chi phí trong lĩnh vực y tế

Ở một đất nước mà thời gian bình quân của một lượt khám bệnh là 10 giờ đồng hồ, ai cũng có thể nhìn thấy vấn đề lớn về y tế và chăm sóc sức khỏe. Song giải quyết bài toán đó bắt đầu từ đâu?

Việc phát triển ứng dụng để kết nối bác sĩ, bệnh nhân, chuỗi nhà thuốc vốn là nỗ lực rất nhiều năm qua cho câu chuyện chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy vậy, bài toán y tế không phải là kết hợp một cách cơ học các thành phần trong hệ sinh thái cung ứng dịch vụ lại với nhau. Do đó, xây dựng một ứng dụng kết nối không giải quyết được vấn đề một cách toàn diện. UDr – một ứng dụng kết nối bác sĩ, bệnh nhân, tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến được phát triển dựa trên nền tảng của một cộng đồng y tế thông minh đã được phát triển trước đó – là một mô hình kinh doanh tiềm năng.

UDr là sự kết hợp các công nghệ khác nhau để giảm thời gian, chi phí cho cả người bệnh và các cấu phần trong hệ sinh thái. Tận dụng những kết nối các thiết bị IoT sẵn có được các bác sĩ chấp nhận với việc phân tích dữ liệu về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thông qua cung cấp thông tin về chỉ số sinh tồn của bệnh nhân theo thời gian thực, kết hợp với mạng lưới các bác sĩ gia đình do một đối tác khác phát triển,  UDr đưa ra những cảnh báo các mối nguy hiểm với sức khỏe của bệnh nhân. Có thể thấy UDr là sự kết hợp linh hoạt giữa trực tuyến và ngoại tuyến, tận dụng các nền tảng công nghệ cũng như hiểu biết sẵn có của thị trường, kết hợp với những giải pháp đang có để hình thành một giải pháp có lợi cho người dùng và mang lại giá trị cho các bên tham gia.

Bài toán cũ + công nghệ mới = những hướng đi mới

Trên thực tế, không một DN nào dừng lại ở một bài toán duy nhất với thị trường. Cơ hội cho DN sẽ có thể mở ra theo nhiều hướng khác nhau, có thể là nhiều cơ hội ở những thị trường mới hoặc ngành có vấn đề tương đồng (trường hợp của ABIVIN); cũng có thể là cơ hội mở ra việc phát triển giá trị gia tăng mới trên nền tảng những gì đang có như AMI, hay UDr. Điểm thú vị khi xuất phát ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam là một khi đã có những người dùng đầu tiên thì chính lợi ích sản phẩm, dịch vụ mang lại để giải quyết những vấn đề vốn tồn tại rất lâu lại là một điểm quan trọng giúp cơ chế marketing bằng giới thiệu truyền miệng trở thành cách hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Một giải pháp ban đầu có thể là nhắm đến những người dùng cuối B2C, nhưng với đặc tính tạo dựng nền tảng, nó hoàn toàn có tiềm năng lấn sân sang thị trường B2B cho DN và ngược lại.

Trong bối cảnh nhiều startup loay hoay với câu chuyện làm thế nào để thương mại hóa sản phẩm và công nghệ của mình, thì những ví dụ trên chứng minh rằng, những vấn đề thực tiễn xã hội luôn là gợi ý quan trọng để phát triển những giải pháp mới cho bài toán cũ, và cách tiếp cận này sẽ luôn mở ra những hướng đi mới cho DN trong tương lai để phát triển bền vững.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp 5 phút mỗi ngày: Sách khởi nghiệp: The Hard Thing about Hard things- Phần 2 – Quan tâm đến con người, sản phẩm rồi mới tới lợi nhuận

Thao-2Nếu ở phần 1 (Khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ) , bạn đã thấy câu chuyện khi doanh nghiệp gặp khó khăn khủng hoảng, bạn cần ứng xử như thế nào, thì trong phần 2, hãy đi sâu vào gốc rễ cho sự bền vững của một tổ chức trong giai đoạn sơ khai như startup – Con người. Có nhiều điều sẽ khiến bạn cảm thấy đi ngược lại với những nhận định truyền thống rằng, có tiền rồi mới xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mới đầu tư cho nhân viên được. Ben chỉ ra rằng, cần phải tiếp cận ngược lại, con người tốt làm ra sản phẩm tốt và lúc đó lợi nhuận sẽ đến.


The Hard Thing about Hard things- Phần 2 – Quan tâm tới Con người, Sản phẩm rồi mới tới lợi nhuận

ben_horowitzNếu công ty bạn trở thành nơi đáng mơ ước để làm việc, bạn sẽ càng ở lâu trong thành công.

Một nơi làm việc tốt

Bạn chỉ thấy tầm quan trọng của việc tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng khi mọi thứ không đi đúng hướng. Mà bạn biết đấy, mọi chuyện chẳng bao giờ đi đúng hướng.

Khi mọi thứ vẫn tốt đẹp, có rất nhiều lý do để giữ chân nhân viên, nhưng khi mọi thứ bắt đầu đi sai đường, những lý do giữ chân họ lại sẽ biến thành lý do đẩy họ rời đi. Vậy nên, bạn hãy quan tâm tới vấn đề con người trước.

Tại sao startup nên phát triển nhân lực

Phần lớn công ty công nghệ đều hiểu rằng con người là tài sản quan trọng nhất của công ty. Khi khởi nghiệp, mọi người chỉ tập trung vào tuyển dụng và phỏng vấn để xây dựng đội ngũ nhân lực tài năng và chỉ dừng lại ở đó. Dưới đây là 4 lý do bạn không nên làm vậy:

  1. Năng suất lao động – bạn muốn nhân viên của mình làm việc năng suất? Vậy hãy đào tạo họ làm việc năng suất.
  2. Quản lý hiệu suất làm việc – khi quản lý hãy đưa ra mục tiêu rõ ràng trong suốt quá trình đào tạo. Có như thế mới theo dõi và quản lý được hiệu suất công việc.
  3. Quản lý sản phẩm – khi cả một nhóm cùng làm việc về một sản phẩm, bạn nên đào tạo tất cả thành viên trong nhóm đi đến mục tiêu cuối cùng. Có như vậy, tất cả thành viên mới phối hợp với nhau ăn ý.
  4. Giữ chân nhân viên – một trong những lý do chủ yếu khiến một người rời bỏ công việc của mình đó là họ thấy mình không được hướng dẫn đầy đủ và có cơ hội phát triển bản thân, họ không được học hỏi hay phát triển kĩ năng mới và không nhận được bất kỳ đánh giá, nhận xét nào để cải thiện bản thân.

Tại sao khó có thể đem nhân viên công ty lớn về làm việc tại công ty nhỏ

Bạn nên nhớ rằng công việc của một nhân viên tại công ty lớn rất khác so với ở công ty nhỏ. Khi làm việc tại công ty khởi nghiệp, không có điều gì có thể xảy ra nếu bạn không tự hô biến nó xảy ra. Trong những ngày đầu, bạn phải nghĩ ra cả chục sáng kiến nếu không công ty sẽ chết. Nếu bạn không thực sự nỗ lực, công ty sẽ ngừng hoạt động. Trái lại, công việc tại công ty lớn luôn sẵn có. Bạn chỉ việc ngồi đó mà làm mà thôi.

Khi bạn thuê một nhân viên từ công ty lớn vào làm việc tại công ty bạn, sẽ có hai rủi ro:

  1. Không phù hợp nhịp độ công việc – khi nhân viên của bạn đã quen đợi email, điện thoại và cuộc họp được lên lịch sẵn thay vì ra khỏi văn phòng và tự tạo ra những công việc đó.
  2. Không phù hợp về kỹ năng – kỹ năng làm việc tại công ty lớn thường tập trung vào kỹ năng ưu tiên, thiết kế tổ chức, cải thiện quy trình, đưa ra quyết định khó khăn, v.v. Nhưng ở công ty non trẻ, chẳng có quy trình nào sẵn có ở đó để bạn cải thiện. Bạn cần rất nhiều kỹ năng khác.

Để tránh tình trạng này xảy ra, bạn nên lọc ứng viên ngày trong vòng phỏng vấn. Đồng thời, làm rõ với ứng viên trong lúc phỏng vấn. Bạn nên đảm bảo quá trình chuyển giao môi trường từ công ty lớn sang công ty nhỏ diễn ra trơn tru và luôn trao đổi thẳng thắn, cởi mở với nhân viên.

Thuê nhân viên: Nếu bạn chưa bao giờ làm công việc đó, làm thế nào để tuyển dụng được người tài?

Phải biết chính xác bạn đang muốn gì. Hãy nhìn và cảm nhận. Tìm kiếm người tài giữ một rừng ứng viên. Đánh giá cả điểm yếu thay vì chỉ tập trung vào điểm mạnh.

Hãy viết ra quy trình để tìm ra được người phù hợp. Viết ra điểm mạnh bạn đang kiếm tìm ở ứng viên và điểm yếu bạn có thể chấp nhận được. Sử dụng tiêu chí này làm nền tảng cho quá trình tuyền dụng. Xây dựng hệ thống câu hỏi giúp bạn kiểm tra tiêu chí này. Thành lập nhóm phỏng vấn, những người có thể giúp bạn thực hiện quá trình này. Bên cạnh đó, kiểm tra chéo với người giới thiệu ứng viên. Cuối cùng, tự đưa ra quyết định. Hãy tự quyết định, tuyển dụng người mà BẠN nghĩ phù hợp nhất.

Khi nhân viên không hiểu quản lý

Quản lý rất dễ bị hiểu lầm. Để tránh điều đó, bạn nên hiểu rằng, tất cả những điều bạn làm đều tác động đến hành vi của nhân viên. Một khi bạn xác định được kết quả bạn muốn, bạn nên kiểm tra xem việc làm của bạn có tác động tới nhân viên như ý bạn không. Nếu không, nó sẽ gây ra phản ứng ngược. Điều này còn tệ hơn tình huống khó khăn bạn đang cố gắng giải quyết.

Đảm bảo chất lượng quản lý

Một đội ngũ nhân sự tốt là một đội ngũ sẽ hỗ trợ, đo lường và giúp cải thiện đội ngũ quản lý của bạn. Để có được nhân sự tốt, bạn cần lưu ý một vài điều dưới đây:

  1. Trở thành một nhà ngoại giao thực thụ – chẳng ai thích một kẻ ba hoa và không có một đội ngũ nhân sự nào có thể làm việc hiệu quả nếu không được cấp trên tin tưởng.
  2. Kiến thức về nhân sự – lương bổng, quyền lợi, quy tắc tuyển dụng, v.v đều thay đổi rất nhanh. Trưởng phòng nhân sự cần nắm rõ lĩnh vực nhân sự và bắt kịp xu thế phát triển mới nhất.
  3. Nâng cao năng lực để trở thành cố vấn tin cậy của CEO – Sẽ chẳng còn gì ý nghĩa nếu CEO không ủng hộ trưởng phòng nhân sự đảm bảo chất lượng của đội ngũ quản lý.
  4. Hiểu những điều chẳng bao giờ được nói ra – khi chất lượng quản lý đi xuống, nhân viên bình thường sẽ không nói ra bất kì điều gì nhưng những nhân viên am hiểu sẽ nói cho bạn biết công ty đang trượt dốc. Bạn cần một người như thế.

Quan tâm tới vấn đề có thể xảy ra

Khi một công ty lớn mạnh, nó sẽ thay đổi. Dù cho bạn có xây dựng văn hóa công ty, giữ tinh thần làm việc thì công ty bạn sẽ không thể như khi có 10 nhân viên. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa công ty bạn không thể trở thành một môi trường làm việc tốt khi số lượng nhân viên tăng lên 1.000, 10.000 hay 100.000 nhân viên. Nó chỉ khác đi mà thôi. Chấp nhận việc công ty sẽ thay đổi và nắm bắt cơ hội để giữ mọi thứ đi đúng hướng.

Hạn chế tối đa mâu thuẫn trong công ty

Đầu tiên, tuyển dụng người có cùng tham vọng. Tham vọng ở đây là tham vọng cho thành công của công ty chứ không chỉ cho cá nhân nhân viên. Thứ hai, xây dựng quy trình nghiêm ngặt cho những mâu thuẫn có thể phát sinh và đừng lạc lối trong các hoạt động đánh giá năng lực, lương bổng, thăng chức. Những hoạt động này đều dễ gây mâu thuẫn. Là một CEO, bạn phải hiểu được tác động của từng lời nói, hành động của mình. Sẽ thật tốt nếu bạn cởi mở, đồng cảm với nhân viên, nhưng hãy luôn cẩn trọng tránh khuyến khích phản ứng tiêu cực.

Danh hiệu và việc thăng chức

Tại sao lại nói đến danh hiệu/chức vụ ở đây? Nhân viên nào cùng đều muốn một danh hiệu, hay chức vụ bởi họ cần biết mình là ai, mình đang làm gì. Có thể bạn nghĩ rằng tập trung vào thăng chức và chức vụ đang quá đề cao hình thức. Nếu không suy nghĩ quy trình thăng chức thấu đáo, nhân viên của bạn sẽ ám ảnh bởi sự bất công. Nếu bạn xây dựng quy trình cẩn thận, không ai khác ngoài bạn sẽ dành nhiều thời gian để nghĩ về danh hiệu “Nhân viên của tháng”.

Xây dựng văn hóa công ty

Văn hóa công ty không tạo nên công ty. Trên thế giới, có rất nhiều công ty với văn hóa tuyệt vời nhưng vẫn phá sản. Vậy tại sao chúng ta phải quan tâm tới nó?

  1. Văn hóa công ty giúp bạn đạt được mục tiêu được nói đến phía trên.
  2. Khi công ty tăng trưởng, văn hóa công ty sẽ giúp bạn bảo vệ giá trị cốt lõi, biến công ty bạn thành nơi làm việc đáng mơ ước và giúp nó vận hành tốt hơn trong tương lai.
  3. Sau khi bạn cùng đội ngũ của mình xây dựng công ty thành công, chính văn hóa công ty giữ chân bạn cùng nhân viên tiếp tục làm việc.

Chuyển nghĩa bởi Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực tại KisStartup“.

KisStartup_wordpress

Nguồn: Paul Minors


“KisStartup nhận ra rằng, việc đọc cả một cuốn sách dài với những founder của startup là điều không khả thi. Vì vậy, cần có một cách tóm tắt hiệu quả hơn chỉ là giới thiệu sách, một tóm tắt đủ cẩn thận với độ dài vừa phải, với những thông điệp quan trọng. Được mentor Phan Đình Tuấn Anh của SME Mentoring 1:1 giới thiệu, chúng tôi đã tìm được địa chỉ có những cuốn sách được tóm tắt và giới thiệu một cách cẩn thận tại Paul Minors. Sau khi được Paul cho phép, chúng tôi lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với khởi nghiệp, đội nhóm của KisStartup tìm đọc các cuốn sách nguyên gốc để đảm bảo chắc chắn một lần nữa cuốn sách phù hợp với các khởi nghiệp và chuyển nghĩa sang tiếng Việt.  Trong suốt 2018, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với bạn những cuốn sách này và chia nhỏ theo từng phần để phù hợp thời lượng đọc của bạn tối đa 5 phút mỗi lần.

Hard-2The Hard Thing about Hard things là cuốn đầu tiên chúng tôi giới thiệu bởi chúng tôi thấy ở đó sự đồng cảm với những khởi nghiệp, những câu chuyện không bao giờ cũ về con người và thái độ ứng xử với startup và những con người trong tổ chức vốn sinh ra để đi tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới đầy thách thức nhưng không ít cám đỗ. Khởi nghiệp nhiều khó khăn và đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Ben Horowitz đưa ra những thông điệp cô đọng, chỉ ra những điều cần thiết khi đôi khi ta lãng quên. Khi đọc nó, tôi nhận ra một điều, văn hóa doanh nghiệp có lẽ cũng hình thành từ sự trưởng thành của người sáng lập khởi nghiệp sáng tạo từ vai trò một sáng lập viên – startup founder- thành người sở hữu một doanh nghiệp sáng tạo giá trị – business owner.

Cuốn sách được đồng nghiệp của tôi tại KisStartup – Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực tại KisStartup” chuyển nghĩa. Tôi hy vọng bạn cũng như tôi tìm được giá trị từ cuốn sách này. Đúng như tác giả của cuốn sách Ben Horowitz nói: “Cái khó không phải là đặt ra những mục tiêu lớn, thách thức và táo bạo. Cái khó chính là việc bạn phải sa thải nhân viên khi bạn không thực hiện được những mục tiêu lớn ấy“. Làm thế nào để cùng nhau xây dựng tầm nhìn, trở thành một CEO theo đúng nghĩa và duy trì được sự kiên định trên con đường sáng tạo giá trị, hãy cùng đọc, khám phá và thực hành“. Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp xã hội

Doanh nghiệp xã hội (DNXH), mặc dù vẫn là một khái niệm gây tranh cãi, không ai phủ nhận rằng DNXH là câu chuyện làm doanh nghiệp và hướng tới giải quyết vấn đề xã hội. Hai nội dung này hài hòa lẫn nhau và cùng mang lại giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng. Dù vậy, là doanh nghiệp thông thường khởi nghiệp vốn đã vất vả tồn tại, là DNXH còn khó khăn gấp trăm lần vì bạn phải dung hòa lợi ích giữa các bên, nỗ lực để sống sót và bền vững đồng thời không quên đi những cam kết với cộng đồng của mình.

Một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự thất bại của nhiều DNXH là thiếu đi một mô hình kinh doanh bền vững cho dù khởi nguồn của đa số những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này đều xuất phát từ những mục tiêu tốt đẹp, vì cộng đồng và vì những nhóm thiểu số, gặp nhiều bất lợi trong xã hội. Làm thế nào để có những bước đi vững chắc trước khi quyết định làm DNXH mà cụ thể là mình sẽ kiếm tiền như thế nào, tác động đến ai? Làm thế nào để có bức tranh toàn cảnh về chính DNXH bạn đang xây dựng? Làm thế nào để nói chuyện với các nhà tài trợ, các quỹ một cách tự tin?

 


Một trong những câu trả lời chính là xây dựng một mô hình kinh doanh xã hội bền vững, điều cần thiết đầu tiên trước khi bắt đầu kinh doanh và vẽ lên giấy một cách rõ ràng thông qua mô hình kinh doanh canvas cho doanh nghiệp xã hội.

Phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh thông thường

Ra đời cách đây tám năm, mô hình kinh doanh canvas truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp vì sự đơn giản và trực quan của nó. Mô hình này chỉ ra những vấn đề quan trọng, trực tiếp liên quan đến hoạt động kinh doanh và giá trị mà doanh nghiệp mang lại. Với một bản mô hình kinh doanh canvas, toàn bộ nhân viên của công ty và nhà đầu tư sẽ nắm được rất nhanh cách thức kinh doanh và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Một DNXH không thể sống hoàn toàn dựa vào tài trợ, DNXH cũng cần có câu chuyện kinh doanh rõ ràng của mình dựa trên chín cấu phần chính sau đây:

Tuyên bố giá trị: Có thể coi là phần quan trọng nhất vì nó giúp bạn trả lời câu hỏi: bạn khác biệt gì với đối thủ cạnh tranh và khách hàng cảm nhận được giá trị gì từ những sản phẩm, dịch vụ bạn mang lại? Để kiểm định giá trị của mình, bạn có thể lựa chọn một trong số 11 tiêu chí sau đây:Tính mới; Hiệu quả; Khả năng tùy biến; Giải quyết vấn đề; Thiết kế; Thương hiệu/ Địa vị; Giá cả; Tiết kiệm chi phí; Giảm thiểu rủi ro; Khả năng tiếp cận; Tiện ích/Khả dụng.

Phân khúc khách hàng: bạn cần xác định rõ loại phân khúc khách hàng nào mà bạn đang nhắm tới trong những loại phân khúc khách hàng này: Thị trường đại trà; Thị trường khe; Thị trường phân khúc; Nền tảng đa diện (ví dụ Google cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin miễn phí cho mọi người dùng internet nhưng lại kiếm tiền từ các công ty, doanh nghiệp, tổ chức muốn quảng cáo để có thứ hạng tìm kiếm tốt trên Google). Đi kèm với việc xác định phân khúc, bạn nên trả lời câu hỏi mỗi phân khúc khách hàng đang có khoảng bao nhiêu khách hàng.

Kênh tiếp cận khách hàng:
 Có nhiều loại kênh khác nhau với chức năng khác nhau, vì vậy bạn cần chỉ rõ bạn đã, đang và sẽ dùng kênh nào để: Nâng cao nhận thức của khách hàng (ví dụ các kênh quảng cáo: facebook, qua nhóm khách hàng); Giúp khách hàng đánh giá giá trị (ví dụ: mời dùng thử trực tiếp); Cho phép khách hàng mua (trực tuyến hay tại cửa hàng v..v); Mang giá trị đến cho khách hàng (thông qua các dịch vụ cung cấp, dịch vụ bổ trợ v..v); Hỗ trợ sau bán hàng (dịch vụ hậu mãi). Khi xây dựng danh mục các kênh của mình bạn cần cân nhắc, đó là kênh bạn đang sở hữu hay đang hợp tác với người khác, đó là kênh bạn tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp (thuê qua đối tác).

Nguồn doanh thu: 
là điều quan trọng tiếp theo bạn phải làm rõ để đảm bảo tính bền vững của mô hình kinh doanh. Với DNXH, ngoài nguồn doanh thu bán sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp còn có thể có nguồn tài trợ, hỗ trợ, đây cũng có thể là nguồn thu quan trọng của doanh nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chỉ rõ, các nguồn doanh thu đó đến từ đâu, là bao nhiêu và chiếm tỉ trọng như thế nào trong từng doanh thu.

Quan hệ khách hàng: 
Đây là lúc DNXH chỉ rõ mình duy trì quan hệ với khách hàng như thế nào? Thông qua hỗ trợ trực tiếp cá nhân, hay hỗ trợ đặc biệt, để khách hàng tự phục vụ, dịch vụ tự động hóa, duy trì cộng đồng hay cùng nhau tạo ra giá trị mới

Hoạt động chính: Bạn chỉ ra những hoạt động chính để vận hành mô hình kinh doanh của mình. Những tuyên bố giá trị của bạn, kênh để truyền tải giá trị, quan hệ khách hàng và những nhân tố thuộc dòng doanh thu đang tác động đến hoạt động chính của doanh nghiệp như thế nào.

Nguồn lực chính: 
Tài sản con người, giải pháp kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, tài chính v..v đều là những nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp.

Cấu trúc chi phí:
 Sẽ là sai lầm nếu doanh nghiệp không chỉ ra được mình đang tốn chi phí cho những hoạt động, đầu vào gì để cả mô hình vận hành đượcNDTM 2

Đối tác chính:
 Đây là lúc bạn chỉ ra đối tác chính cho mô hình kinh doanh của bạn, đó có thể là những cộng đồng, hiệp hội, nhà cung cấp v.v…

Sự khác biệt của Doanh nghiệp xã hội

Với một doanh nghiệp thông thường, việc dừng lại ở chín cấu phần là đủ để tạo một bức tranh đầy đủ về hoạt động kinh doanh của mình. Tuy vậy, để thuyết phục nhà tài trợ, nhà đầu tư và cộng đồng rằng bạn đang mang lại giá trị nhiều hơn giá trị vật chất, bạn cần phải đặc biệt lưu ý hai nội dung chính:

Phân khúc khách hàng:
 Bạn phải chỉ ra được: Bạn đang tạo ra giá trị cho ai? Ai là khách hàng quan trọng nhất của bạn. Đôi khi người mua hàng khác với người hưởng lợi trực tiếp từ sản phẩm dịch vụ của bạn, vì vậy, bạn cần chỉ rõ người mua hàng là ai? Có một số trường hợp người dùng, người mua là khác nhau.

Ví dụ: một đơn vị sản xuất cặp kiêm áo phao cứu nạn cho trẻ em nhằm giải quyết vấn đề trẻ em bị đuối nước trong mùa mưa lũ. Người hưởng lợi trực tiếp là trẻ em vùng lũ nhưng người trả tiền, người mua có thể là gia đình, có thể là các công ty, đơn vị tài trợ hoặc các tổ chức quốc tế cứu trợ trẻ em.

Ngoài ra bạn cũng cần chỉ ra ai là những bên liên quan đến những giá trị bạn mang lại.

Tác động: 
Chính là cấu phần thứ 10 trong mô hình kinh doanh. Bạn phải chỉ ra được, những khác biệt mà bạn tạo ra cho mọi người, cho xã hội, cho môi trường. Tác động bạn tạo ra trong nội bộ như thế nào, tác động hướng vào người dùng là gì, tác động mà người tài trợ mong đợi là gì và tác động mà các bên liên quan quan tâm là gì. Mặc dù tác động là khó đo lường, bạn cần suy nghĩ đến những chỉ số đo lường sự thay đổi, hãy đặt cho mình câu hỏi: tại sao bạn biết có sự thay đổi và bạn đo lường sự thay đổi đó như thế nào. Để làm được điều này bạn nên xuất phát từ mục tiêu ban đầu, bạn định thay đổi điều gì? Và ai là nhân vật trung tâm trong câu chuyện thay đổi của bạn.

Vì DNXH có nhiều đối tượng để hướng tới, việc có một mô hình kinh doanh tốt sẽ giúp bạn truyền thông nhanh chóng và hiệu quả đến những bên liên quan trong câu chuyện kinh doanh của bạn. Một nhà đầu tư hay nhà tài trợ, nhân viên trong chính công ty bạn và những đối tác đều có thể hình dung cụ thể bạn đang làm gì. Với một mô hình kinh doanh được vẽ ra, chính bạn sẽ nhìn thấy được những điểm yếu trong mô hình kinh doanh của mình. Với những doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này, bạn hãy nhớ ba nhân tố: Tuyên bố giá trị, Phân khúc khách hàng, Dòng doanh thu là những điều đầu tiên bạn nên nghĩ đến và hoàn thiện trước khi hiểu và viết lên các cấu phần còn lại.

Cuối cùng, để mô hình kinh doanh ra đời một cách hiệu quả, việc tham gia của lãnh đạo và quản lý cấp cao, cấp trung của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Nó không nên là sản phẩm duy nhất của nhà quản lý vì như vậy nó sẽ mất đi tính toàn diện của một mô hình kinh doanh của cả một tổ chức và thiếu sự tham gia của các phòng ban có liên quan, mô hình kinh doanh khó có thể đi vào đời sống của doanh nghiệp như một tầm nhìn chung và khó có thể được thay đổi thường xuyên theo thực tế kinh doanh.

KisStartup_wordpress

KisStartup’s pick: Hãy tắt máy tính mà đi xây đội ngũ !

Song song với các bài viết của chính KisStartup, chúng tôi sẽ mở ra phần lựa chọn của KisStartup để các bạn có thể tham khảo những bài viết hữu ích đã qua bộ lọc của KisStartup. Tuần này chúng tôi giới thiệu với các bạn bàiTS - Mike Drucker 1 phỏng vấn với Mike Ducker. Mike Ducker tại một hội nghị khởi nghiệp Lào.

Mike Ducker, giám đốc chương trình Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp các nước vùng sông Mekong – Tiger@Mekong do Chính phủ Mỹ tài trợ, đã có cuộc trò chuyện với Tia Sáng sau gần năm năm “đi lòng vòng” cùng những người trẻ đang khát khao thay đổi thế giới…

Thưa ông, cộng đồng khởi nghiệp vùng Mekong đang nằm đâu trên bản đồ khởi nghiệp thế giới?

Sẽ rất khó để định vị ngay được cộng đồng này, vì nó quá đa dạng. Những thành phố lớn như Bangkok hay Sài Gòn thì sôi động kinh khủng, trong khi ở những vùng nông thôn ở Lào thì chẳng ai buồn quan tâm đến khái niệm “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” cả. Tôi cho rằng còn quá nhiều việc cần phải làm cho câu chuyện khởi nghiệp ở vùng đất mới này. Cộng đồng các nhà sáng lập mới bắt đầu ở đây đang đứng trước nhiều thách thức, chẳng hạn tìm kiếm các nguồn hỗ trợ. Nhiều người phải chọn Singapore hay Malaysia như là vùng đất có thể bắt đầu hành trình của mình dễ dàng hơn. Nếu việc này cứ kéo dài, sẽ là một mối họa cho hệ sinh thái của cả vùng.

Vậy Việt Nam thì sao, thưa ông?

Đây là một vùng đất thú vị. Sự năng động của các bạn trẻ Việt Nam đang tiệm cận sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Thái Lan. Tuy nhiên, tôi hay nhìn vào sự phát triển của từng thành phố một, chẳng hạn Hà Nội, Sài Gòn có thể so sánh với Bangkok về sự đông đúc của hệ sinh thái. Tiếc là tôi vẫn chưa thấy ở Việt Nam một chương trình dài hạn có thể hỗ trợ doanh nhân trẻ để họ có thể tự tin bước vào hành trình khó nhọc này.

Ai cũng nhắc mãi đến “hệ sinh thái”, vì sao vậy?

Tôi luôn hào hứng khi ghé Việt Nam, bởi biết chắc sẽ được gặp những người trẻ đang hết sức chú tâm vào các ý tưởng đổi mới sáng tạo rất “ngầu” cũng như các công nghệ mới. Hệ sinh thái là sự nương tựa lẫn nhau giữa các thành tố cấu thành cộng đồng khởi nghiệp, mà ở Việt Nam thì còn đang thiếu: 1/ Dù Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực làm nhiều việc vô cùng, nhưng tôi vẫn chờ đợi một đơn vị tư nhân có thể thành công trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Chúng ta rất cần những đơn vị tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong bức tranh tổng thể. Tại những nơi mà tôi đã được tham gia, kể cả vùng Detroit quê tôi, có rất nhiều những doanh nhân thành công tự nhận lấy trách nhiệm xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm và cả vườn ươm doanh nghiệp. 2/ Các bạn cũng đang rất cần những mentor – cố vấn đồng hành – đủ kỹ năng và thời gian và đam mê để đi cùng khởi nghiệp đến những thành tựu to lớn hơn. 3/ Cần cả những chương trình dài hạn được dựng lên với nhiệm vụ “đẩy” các doanh nghiệp khởi nghiệp đến một tầm cao mới trong thang đo kinh tế.

Ông cũng làm mentor, rồi lại đi dạy cho mentor. Ông tập trung điều gì nhất cho các startup trong giai đoạn hiện nay?

Một startup, thường đồng nghĩa với giai đoạn “giả định thành công” trên hành trình kinh doanh rất dài. Bởi vậy, từ “giả định” đến “thành công” cần phải học hỏi và hành động liên tục. Tôi tin rằng, một trong những điều rất quan trọng mà các doanh nhân khởi nghiệp cần làm, là đóng máy tính lại, bắt tay vào những công việc bên ngoài. Họ cần có những tương tác với thị trường, đối tác và cả đối thủ. Họ cần gặp gỡ để hiểu những khách hàng tiềm năng, nhà cung cấp, những người trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Để hiểu một ngành mà mình đang muốn bước vào để thay đổi nó, cần dành nhiều thời gian ngoài đời thực, đặc biệt là hiểu về công nghệ và những xu hướng đang diễn ra. Điều thứ nhì, là rất nhiều bạn nghĩ rằng họ cần đầu tư, nhưng thực tế thì không phải vậy. Điều họ thực sự cần, là một đội ngũ đồng hành đủ mạnh để cùng nhau biến giấc mơ thành sự thật. Vì vậy, chiến lược đôi khi đơn giản là tìm kiếm những dạng người nào, những tố chất nào, những kỹ năng nào để có thể trở thành đồng sáng lập cho doanh nghiệp.

Chúng tôi thấy có hai dạng khởi nghiệp thường gặp ở Việt Nam. Một, là những bạn tựa hoàn toàn vào sức mạnh công nghệ. Và dạng thứ hai, là những người muốn theo đuổi mô hình kinh doanh truyền thống. Ông nghĩ gì về sự khác biệt này?

Nó phụ thuộc vào giấc mơ và tầm nhìn của họ. Thế giới mà tôi sống, thở và làm việc, thì toàn những người muốn dùng công nghệ để thay đổi cuộc sống của mọi người. Họ là những cá nhân hoặc đội nhóm đặc biệt sáng tạo, có thể giới thiệu những công nghệ mới hoặc phương thức kinh doanh mới. Đó mới là điều hấp dẫn của khởi nghiệp. Còn kiểu truyền thống, đơn giản là mưu sinh mà thôi, vậy ít vui hơn. Ngoài ra, thế giới không thay đổi vì một doanh nghiệp, mà cần cả một cộng đồng khởi nghiệp cùng nhau tạo nên lực đẩy, đưa công nghệ phục vụ cuộc sống, thay đổi mọi thứ ngày càng nhanh. Đó là cách mà Silicon Valley đang làm, và nhiều nơi trên thế giới đang tái lập lại mô hình này.

Có hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mà mọi người dựng ra để mưu sinh. Trong khi đó, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp khởi nghiệp được lập ra vì một sứ mệnh tạo ra sự thay đổi. Tôi không biết con số này ở Việt Nam là bao nhiêu, nhưng trên thế giới, loại doanh nghiệp liên quan đến công nghệ đổi mới sáng tạo chỉ chiếm từ 5 – 15%. Nhưng số ít này, lại chính là những người tạo ra giá trị mới, giá trị gia tăng cho thị trường. Họ chính là những người có tố chất doanh nhân, rất khác biệt, có khả năng chọc thủng bức tường để đi xuyên qua nó, tạo thành con đường mới mà chẳng mấy ai đi…

Ông nghĩ gì về việc xây dựng Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn trở thành những thành phố khởi nghiệp?

Đó là một cơ hội lớn, kèm theo là thách thức lớn hơn, không chỉ cho chính phủ mà cho rất nhiều bên khi muốn xây dựng thành phố khởi nghiệp. Khi làm việc với các lãnh đạo chính phủ, điều duy nhất mà tôi nhắc đi nhắc lại, là hãy để hệ sinh thái tự hình thành, lớn lên bằng sức của nó. Có rất nhiều tổ chức, trường đại học, khối tư nhân, cộng đồng công nghệ hay nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia vào việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Vậy nên điều đơn giản, dễ dàng nhất mà chính quyền cần làm, là ngồi xuống với họ, và hỏi họ cần hỗ trợ gì thay vì cứ tạo ra những chương trình riêng của chính phủ, mà một cách vô tình rất dễ cản đường hoặc cạnh tranh với các tổ chức này.

Hay là chúng ta sẽ tập trung xây dựng Việt Nam thành trung tâm khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?

Ở Mỹ, một vài công ty trong nhóm sáng tạo nhất chính là các công ty nông nghiệp. Sản lượng và chất lượng của nền nông nghiệp Mỹ đang trở nên đáng nể hơn bao giờ hết nhờ sự tham gia của đổi mới sáng tạo công nghệ và các doanh nhân khởi nghiệp. Tôi chưa quen nhiều các bạn làm startup nông nghiệp ở Việt Nam, nhưng nhìn chung trên thế giới, đó không phải là một lĩnh vực “dễ ăn”. Từ ý tưởng, đến công nghệ, đến nông trại là một hành trình dài, xa và gian khó. Môi trường nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp truyền thống, rất khó để thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân. Giới thiệu một sản phẩm mới cho thanh niên ở các đô thị thì dễ dàng, vì khả năng thích nghi với cái mới, công nghệ mới của họ. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, nếu có một tầm nhìn và khát vọng đủ lớn để có thể thay đổi chất lượng nền nông nghiệp. Nhưng cần rất nhiều kiên trì để làm việc này. Chẳng hạn, ở Kenya, sự thay đổi diễn ra rất rất chậm, nhưng vẫn diễn ra…

Ông nghĩ là Việt Nam có nên học theo hình mẫu khởi nghiệp của nước nào không?

Suy nghĩ đầu tiên của tôi, là mình phải đi con đường của riêng mình, tất nhiên là phải để lực lượng tư nhân làm người dẫn đường. Từ đó, chúng ta có thể tìm thấy mô hình phát triển phù hợp nhất với Việt Nam. Ví dụ như ở đất nước mà tôi có nhiều kinh nghiệm là Ai Cập, khá giống với Việt Nam về dân số và là quốc gia nông nghiệp. Chuyện xảy ra ở thủ đô Cairo, là có 5 – 6 người anh hùng là doanh nghiệp tư nhân quyết định “tạo ra sự thay đổi” và họ tổ chức rất nhiều hoạt động. Từ đó, hàng loạt các nhóm thanh niên khác cũng được hình thành, các tổ chức phi lợi nhuận được tạo ra và việc khởi nghiệp được triển khai một cách chuyên nghiệp hơn. Họ làm việc chung với nhau, theo một công thức đặc biệt: không có tổ chức nào có thể làm hết tất cả mọi việc, mọi người tựa vào nhau để phát triển. Các vườn ươm, nhóm nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm thực hiện hết trách nhiệm của vai trò mình được giao một cách gắn kết với mục tiêu chung là xây dựng nên những công ty khởi nghiệp thành công. Tôi thấy Ai Cập nghe có vẻ xa xôi, nhưng bài học từ xứ này có thể là những gợi ý tốt cho Việt Nam.

Ông có một danh mục những điều kiện cần của công ty khởi nghiệp mà ông sẽ tham gia hỗ trợ không?

Yếu tố quan trọng nhất là những người sáng lập và đội ngũ của họ. Họ nghiêm túc đến mức nào, họ đam mê đến mức nào với ý tưởng mà họ dự định sẽ theo đuổi. Tất cả những nhà đầu tư khởi nghiệp ở giai đoạn đầu mà tôi biết đều chia sẻ một điều giống nhau: Họ sẽ đầu tư nếu nhìn vào mắt những người sáng lập có thể đọc được niềm khát khao, ý chí để có thể biến những ý tưởng của họ thành sự thật.

Những ý tưởng độc đáo cũng là điều quan trọng, nhưng tôi thấy con người quan trọng hơn nhiều. Sau đó tôi sẽ cân nhắc đến cơ hội thị trường, độ lớn của nó và sự liên quan giữa lĩnh vực tham gia với năng lực cá nhân của đội ngũ sáng lập. Tôi đặt cược niềm tin của mình vào con người, với những tham vọng của họ. Hầu hết những gì tôi học được sẽ chia sẻ với họ, đơn giản vì tôi thường thất bại hơn là thành công trên hành trình tham gia vào khởi nghiệp.

Xin cảm ơn ông. 

Kiên Chinh thực hiện

Nguồn: Tia Sáng

 

Hoa Yêu Thương – Ví dụ về “Cốc nước chanh thơm ngon” (dưới góc nhìn tư duy hướng tới hiệu quả)

Phân tích & Giới thiêu: Mai Phạm – Điều phối mạng lưới & truyền thông tại KisStartup

Nhắc đến Hoa Yêu Thương báo chí hay nhắc đến ông chủ Hoa Yêu Thương với cụm từ “Kỹ sư công nghệ thông tin đi bán hoa tươi”. Dưới góc nhìn của báo chí, sự thành công hiện nay của Hoa Yêu Thương là đi lên từ những chuỗi ngày dài khó khăn gian khổ và sự phấn đấu phát triển không ngừng. Nhưng tôi muốn nhiều hơn thế nữa, đi sâu hơn nữa về thành công và những thứ nằm sau đó dưới góc nhìn “tư duy hướng tới hiệu quả” – effectuations

 

#Birdinhand – Một con chim trong tay còn hơn hai con chim trong bụi rậm

Kể đến đây bạn có thể nghĩ “Một kỹ sư IT đi bán hoa tươi thì lấy gì làm ưu thế điểm mạnh mà để có “con chim” trong tay?”
Tôi tìm hiểu về ông chủ Hoa Yêu Thương mới biết 8 năm trước ông bắt đầu Hoa Yêu Thương với $700 đi vay. Xuất phát là dân IT, ông lập một trang web làm “nhà” cho Hoa Yêu Thương. Gần 20 triệu đồng mà lập nghiệp với hoa thì hơi ít ỏi nên ông chọn việc dùng hoa trong nước làm nguyên liệu chứ không phải hoa ngoại. Cứ như vậy, đến nay Hoa Yêu Thương vẫn chỉ dùng hoa nội địa chứ không chọn hoa nhập khẩu như nhiều hãng điện hoa lớn khác dù nguồn vốn nay đã nhiều hơn trước. Vẫn là câu chuyện dùng nguồn lực có sẵn, những năm nay ông và đồng nghiệp cùng nhau xây dựng phần mềm và cải tiến cho “nhà” Hoa Yêu Thương thông minh hơn, tiện ích hơn.

Và đến đây liệu bạn có cùng quan điểm giống tôi rằng ông chủ Hoa Yêu Thương lúc bắt đầu khởi nghiệp dù có là một kỹ sư IT chọn con đường bán hoa tươi thì vẫn tìm ra thế mạnh, nguồn lực và đã tận dụng được “con chim trong tay mình”.

Ông chủ Hoa Yêu Thương – Nguôn: Sưu tầm

#Lemonade – Đời cho ta một trái chanh chua thì hãy biến nó thành cốc nước chanh thơm ngon

Tận dụng nguồn lực sẵn có nhưng vẫn chưa đủ đối với Hoa Yêu Thương. Đến giờ là 8 năm tồn tại nhưng 5 năm đầu Hoa Yêu Thương vẫn sống vật vã. Đã có lúc doanh thu lên tới 900 triệu mà vẫn lỗ. Nghe thì thật không tưởng nhưng thực sự việc bán hoa trực tuyến rủi ro cao sẽ rơi vào việc hoa bị tồn kho mà lại không để được lâu.

5  năm vật vã đó đã khiến ông chủ của hãng phải đổi mình liên tục, phải nâng cấp trang web không ngừng. Nhờ những kinh nghiệm tích luỹ đó mà đến nay Hoa Yêu Thương mới có một hệ thống bán hàng chuyên nghiệp và thông minh giúp xử lý quy trình của một đơn hàng, tính toán chính xác thời gian, quãng đường đi để giao hoa đúng giờ, có thể dự báo số đơn hàng bán ra để có thể chuẩn bị đủ lượng hoa, bố trí nhân sự hợp lý. Điểm đặc biệt là hệ thống thông minh này sử dụng dữ liệu đầu vào là các yếu tố về kinh nghiệm, thời tiết, phong thủy, thông tin khách hàng được tích luỹ qua các năm để phân tích. Nhờ vậy mà giảm thiểu 20-30% nhân sự vào các khâu không cần thiết. “Trái chanh chua” mà Hoa Yêu Thương nhận được giờ đã thành “Cốc nước chanh thơm ngon” và lại còn  nhận được thêm “viên đường” – vốn đầu tư 1 triệu đô từ Greenwings

 

#Pilotintheplane – Kiến tạo tương lai

Một kỹ sư IT bỏ nghề đi bán hoa tươi, từng phải tự mình làm hết từ mua hoa, cắm hoa cho đến giao hàng, từng phải cầm cố đồ đạc để sinh tồn nhưng suốt 8 năm qua vẫn cố giữ cho Hoa Yêu Thương tồn tại và phát triển. Kỹ sư IT ấy vẫn hướng về tương lai, vẫn giữ vừng niềm tin về dịch vụ của mình và vẫn mơ về một giấc mơ đưa xây dựng hệ thống sinh thái cho ngành hoa tươi Việt Nam.
Đột nhiên làm tôi nghĩ đến một câu: “Forget all the reasons why it won’t work and believe the one reason why it will.” – “Hãy quên hết những lý do khiến nó thất bại và hãy tin vào dù chỉ một lý do khiến nó thành công”

Nguồn: KisStartup

Blog do những Sáng lập & Đội ngũ tại KisStartup viết và giới thiệu tới bạn. Rất mong nhận được phản hồi, chia sẻ của bạn đọc. Nếu trích dẫn, xin bạn lưu ý chỉ rõ nguồn và tác giả để tôn trọng những nỗ lực của chúng tôi. Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại : http://www.kisstartup.com